Hàn Quốc: Số doanh nghiệp phá sản lên mức kỷ lục

Tính đến hết tháng 10/2024, số lượng công ty Hàn Quốc nộp đơn xin phá sản đã vượt qua con số cao nhất từng được ghi nhận theo năm, trong bối cảnh suy thoái kéo dài và lãi suất cao. Đáng chú ý, các công ty phá sản nằm trong tất cả các ngành khác nhau.

Người tiêu dùng mua sắm tại một đại lý bán lẻ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm tại một đại lý bán lẻ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, cụ thể, số vụ phá sản của công ty được tòa án trên toàn quốc xử lý từ tháng 1 đến tháng 10 là 1.380, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái, và vượt qua tổng số lượng hồ sơ phá sản của cả năm ngoái (1.302), năm kỷ lục về con số này. Theo đó, các doanh nghiệp sống sót sau đại dịch COVID-19 đang sụp đổ vì không thể tiếp tục chống chọi với tình trạng suy thoái kéo dài và lãi suất cao.

Các công ty phá sản bao gồm các công ty trong tất cả các ngành khác nhau, từ bán buôn và bán lẻ, sản xuất, thông tin, truyền thông và xây dựng. Trong lĩnh vực sản xuất, họ tập trung vào máy móc và thiết bị, điện tử và gia công kim loại. Trong khi xuất khẩu đã tăng trong năm nay, dẫn đầu là chất bán dẫn và ô tô, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa cảm thấy bất kỳ sự phục hồi nào trong khi vẫn phải đối mặt với khó khăn về tài chính do lãi suất và chi phí lao động cao, cũng như sự cạnh tranh của hàng hóa giá rẻ nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều công ty lớn cũng ghi nhận sự suy giảm hoạt động. POSCO đã đóng cửa hai nhà máy trong năm nay và Hyundai Steel quyết định đóng cửa nhà máy Pohang ở tỉnh Gyeongsang Bắc. Với cuộc khủng hoảng thanh khoản, các tập đoàn đang cắt giảm cả các công ty con có lợi nhuận để có thể đối phó với những bất ổn trong kinh doanh.

Điều đáng lo ngại là triển vọng kinh tế năm 2025 của Hàn Quốc cũng không khả quan. Ngày 20/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay và năm sau xuống lần lượt 2,2% và 2%, do rủi ro từ sự bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu. IMF thậm chí cảnh báo tốc độ tăng trưởng có thể giảm xuống mức 1% nếu thương mại thay đổi sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.

IMF khuyến cáo Seoul cần tích cực hỗ trợ các công ty đang hoạt động tốt, ngăn chặn các công ty này sụp đổ do khủng hoảng tạm thời bằng cách nới lỏng các quy định, cung cấp hỗ trợ thuế và tài chính, và thực hiện các biện pháp khác. Các cải cách cơ cấu cơ bản, chẳng hạn như cải thiện hệ thống tiền lương và việc làm và tổ chức lại cơ cấu công nghiệp, cũng rất cần thiết. IMF cũng lưu ý rằng cần có các chính sách kinh tế mạnh mẽ để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng nhằm bảo vệ những doanh nghiệp đang bên bờ phá sản.

Trần Quang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/han-quoc-so-doanh-nghiep-pha-san-len-muc-ky-luc-20241121131622996.htm