Hàn Quốc tái đưa Nhật Bản vào 'Danh sách Trắng' thương mại
Ngày 24.4, Hàn Quốc đã chính thức đưa Nhật Bản vào lại danh sách các quốc gia được đối xử ưu đãi trong thương mại (Danh sách Trắng), 3 năm sau khi hai nước láng giềng hạ cấp tình trạng thương mại trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao do liên quan đến vấn đề lịch sử.
Sau nhiều năm xích mích, Seoul và Tokyo đang nỗ lực hàn gắn quan hệ trong khi thắt chặt hợp tác an ninh ba bên với Washington trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa gần đây.
Các quan chức Hàn Quốc hy vọng, Tokyo cũng sẽ khôi phục Seoul với tư cách là một đối tác thương mại được ưu ái, nhưng cho rằng, bước đi đó sẽ mất nhiều thời gian hơn do các thủ tục sửa đổi quy định xuất khẩu của Nhật Bản phức tạp hơn.
Vào tháng 9.2019, Hàn Quốc đã loại Nhật Bản khỏi “danh sách trắng” gồm các quốc gia nhận được sự chấp thuận nhanh về thương mại, nhằm phản ứng trước một động thái tương tự của Tokyo. Nhật Bản cũng đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các hóa chất chính mà các công ty Hàn Quốc sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và màn hình OLED, khiến Hàn Quốc đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Seoul cáo buộc Tokyo vũ khí hóa thương mại để trả đũa các phán quyết của tòa án Hàn Quốc đã ra lệnh cho các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II, khi Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên. Các phán quyết năm 2018 đã khiến Nhật Bản nổi giận, vốn khẳng định tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo một hiệp ước năm 1965 nhằm bình thường hóa quan hệ.
Mối quan hệ giữa các hai đồng minh của Mỹ ở châu Á bắt đầu tan băng vào tháng 3 khi chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người nhậm chức vào tháng 5.2022, công bố kế hoạch sử dụng quỹ của Hàn Quốc để bồi thường cho những người lao động bị cưỡng bức mà không yêu cầu phía Nhật Bản phải tự bồi thường hay thậm chí phải đóng góp cho quỹ này. Ông Yoon cũng vừa có chuyển thăm Tokyo để gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và họ cam kết sẽ xây dựng lại mối quan hệ an ninh và kinh tế của hai nước.
Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida, Hàn Quốc đã rút đơn khiếu nại tại WTO nhằm vào Nhật Bản khi Tokyo đồng thời xác nhận việc dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt hóa chất được coi là quan trọng đối với ngành công nghệ của Hàn Quốc. Các hạn chế của Nhật Bản đã bao gồm các polyimide flo hóa, được sử dụng trong màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED) cho TV và điện thoại thông minh, cũng như chất cản quang và hydro florua, được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn.
Với quyết định khôi phục quy chế ưu đãi thương mại cho Nhật Bản, Hàn Quốc hiện dành ưu đãi cho 29 quốc gia – bao gồm Mỹ, Anh và Pháp – đối với việc xuất khẩu các vật liệu “chiến lược” nhạy cảm có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Hàn Quốc chia các đối tác thương mại thành hai nhóm trong việc quản lý phê duyệt xuất khẩu các vật liệu nhạy cảm. Thời gian chờ đợi thường là 5 ngày đối với các quốc gia nằm trong “danh sách trắng”, trong khi các quốc gia khác phải trải qua quá trình xem xét từng trường hợp có thể mất tới 15 ngày.
Khi công bố các quy định mới về xuất khẩu nguyên vật liệu chiến lược, Bộ Thương mại Hàn Quốc cũng cho biết nước này sẽ áp đặt thêm hàng trăm sản phẩm công nghiệp và linh kiện vào diện hạn chế xuất khẩu đối với Nga và Belarus bắt đầu từ tuần này.
Các biện pháp kiểm soát của Seoul cho đến nay đã bao gồm 57 mặt hàng, cả những mặt hàng liên quan đến điện tử và đóng tàu, với việc chính quyền cấm các chuyến hàng của họ đến Nga và Belarus trừ khi các công ty này nhận được sự chấp thuận đặc biệt. Danh sách này sẽ tăng lên 798 mặt hàng bắt đầu từ 21.4, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu liên quan đến xây dựng, máy móc, sản xuất thép, ô tô, chất bán dẫn và máy tính tiên tiến.