Hàn Quốc triệu đại sứ Nhật Bản phản đối xả nước nhiễm xạ ra biển
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hôm nay (13/4), triệu tập đại sứ của Tokyo để phản đối quyết định của chính phủ Nhật Bản thải hơn một triệu tấn nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Cuộc gặp của Đại sứ Nhật Bản Koichi Aiboshi và Thứ trưởng Ngoại giao thứ hai của Hàn Quốc, Choi Jong-Moon, diễn ra trong vài giờ đồng hồ, sau khi Nhật Bản xác nhận Nội các nước này ủng hộ kế hoạch xả nước ô nhiễm chứa trong các bể hai năm qua.
Quyết định của Tokyo đã vấp phải sự phản đối từ các ngành công nghiệp dựa vào nguồn nước lân cận và từ các nước trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc, do lo ngại về tác động môi trường của việc thải nước ra Thái Bình Dương.
Hãng tin Nga RT dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Thứ trưởng Choi đã chỉ trích Đại sứ Nhật vì không công khai hết chi tiết kế hoạch xả nước, trong đó có số lượng và tốc độ chất lỏng ô nhiễm được xả ra. Ông cũng bày tỏ thất vọng rằng đã không có các cuộc bàn bạc giữa Nhật và các nước láng giềng trước khi quyết định được đưa ra về cách thức xả nước từ Fukushima.
"Quan điểm của chúng tôi là không nên đưa ra quyết định trừ khi có đánh giá rõ ràng về tác động đối với sức khỏe người dân và môi trường biển", một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sau cuộc họp.
Đại sứ Nhật Bản đã công khai giải đáp các mối quan ngại của Hàn Quốc trong một tuyên bố gửi cho truyền thông địa phương. Ông khẳng định các mô phỏng cho thấy "nó sẽ không tác động tiêu cực đến môi trường biển ở các nước láng giềng".
Ngay trong sáng 13/4, chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn giữa các bộ ngành liên quan để thảo luận về biện pháp ứng phó với quyết định của Tokyo.
Phía Trung Quốc cũng lên án kế hoạch xả nước ô nhiễm vì Tokyo không tham khảo ý kiến của Bắc Kinh về việc này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của Nhật Bản là "cực kỳ vô trách nhiệm", đồng thời cảnh báo chúng sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và an toàn cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, Mỹ thể hiện sự đồng cảm với Nhật Bản. Nêu rõ Washington biết Tokyo đã xem xét một số lựa chọn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Nhật Bản đã "minh bạch về quyết định của mình" và "dường như đã thông qua một cách tiếp cận phù hợp với những tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được toàn cầu chấp nhận". Mỹ mong đợi sẽ "phối hợp và liên lạc liên tục của Nhật Bản vì nước này sẽ giám sát tính hiệu quả của lựa chọn này".