Hãng bay Việt với chiêu quy định nội bộ để giữ nhân sự
Hàng không là ngành kinh doanh đặc thù với nhân sự ở nhiều vị trí không dễ thay thế, tuyển mới khiến các hãng phải giữ chân nhân viên bằng các quy định ràng buộc.
Thị trường hàng không Việt Nam đang bùng nổ về quy mô, nhưng nguồn nhân lực lại không theo kịp, xảy ra tình trạng thiếu hụt. Các hãng bay thường xuyên phải tuyển chéo nhân lực kỹ thuật cao hay quản lý của nhau, từ đó phát sinh những quy định nội bộ để giúp hãng giữ người.
Vietnam Airlines giữ chân phi công
Giữa năm 2018, một nhóm phi công của Vietnam Airlines đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng, khẳng định đang bị hãng bay gây khó không cho nghỉ việc, nếu nghỉ phải bồi thường số tiền lớn.
Các phi công này cho rằng Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với những quy định liên quan đến ngành hàng không, lao động trong lĩnh vực hàng không trái với Luật Lao động, từ đó gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc.
Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải ra thông tư 41/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều trong phần 12 và 14 của Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Tại phần 14.169 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày.
Ngoài ra, khi chuyển đổi nhà khai thác phải “đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định”.
Điều này đồng nghĩa phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 4 tháng và đền bù chi phí đào tạo lên tới 2,5-3 tỷ đồng mà "không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh".
Đại diện Bộ GTVT giải thích sở dĩ quy định 120 ngày là để có thời gian tuyển dụng, đào tạo, bởi thay thế một phi công là cả một quá trình.
Còn với quy định tại Điều 37 của Luật Lao động, thứ trưởng Bộ này cho rằng quy định người lao động hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày.
Như vậy, đại diện Bộ GTVT nhận định Luật lao động chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định mức độ tối đa số ngày.
Không chỉ phi công, nhiều kỹ sư, thợ máy tại các công ty con của Vietnam Airlines cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi phải báo trước 4 tháng nếu muốn nghỉ việc.
Quản lý Bamboo Airways muốn nghỉ phải báo trước 1-2 năm
Đầu tháng 11 năm nay, trong thông điệp gửi thành viên Hội đồng quản trị của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cấp quản lý của hãng phải báo trước 1-2 năm nếu muốn thôi việc.
Cụ thể, CEO của Bamboo Airways khẳng định hãng bay sẽ không chấp nhận những đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không được báo trước trong khoảng thời gian hợp lý từ các lãnh đạo cấp cao của hãng.
"Tôi muốn làm rõ hơn rằng, khoảng thời gian được xác định là hợp lý là 1 năm với các anh chị là thành viên Ban Điều hành không kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và 2 năm đối với các anh chị là thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm thành viên Ban Điều hành", ông Quyết ghi rõ.
Lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ áp dụng hình thức kỷ luật sa thải hoặc thậm chí áp dụng biện pháp xử lý khác nặng hơn nếu cấp quản lý của Bamboo Airways đơn phương xin nghỉ mà không báo trước trong khoảng thời gian 1-2 năm.
Ông Quyết chia sẻ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways "phải là những cá nhân có trách nhiệm nhất, gắn bó nhất, trở thành tấm gương để hàng nghìn nhân viên cấp dưới học tập làm theo".
Hiện Bamboo Airways có dàn quản lý cấp cao đông đảo với 9 phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Eddy Doyle, ông Trương Phương Thành cùng nhiều cái tên khác.
Tuyển chéo nhân sự giữa các hãng bay Việt
Quản lý cấp cao ngành hàng không Việt đang là nguồn lực hiếm. Rất nhiều hãng hàng không mới đang có xu hướng tuyển lại quản lý cũ hoặc đã về hưu của Vietnam Airlines để phục vụ vận hành.
Điển hình như ông Phan Xuân Đức, cựu Phó tổng giám đốc và là cơ trưởng kỳ cựu của Vietnam Airlines đã về đầu quân cho Vinpearl Air trong vai trò CEO.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, một cựu Phó tổng giám đốc khác của Vietnam Airlines cũng đã về đầu quân cho Bamboo Airways sau khi nghỉ hưu từ 1/1/2018.
Đầu tháng 9, Vietravel Airlines cũng bổ nhiệm 2 nhân sự cấp cao để chuẩn bị cho ngày cất cánh. Đó là ông Nguyễn Anh Vũ, giữ chức phó tổng giám đốc phụ trách về bảo dưỡng tàu bay và ông Nguyễn Quang Sơn, nắm vị trí phó tổng giám đốc phụ trách về khai thác mặt đất.
Cả hai ông Nguyễn Anh Vũ và Nguyễn Quang Sơn đều là người cũ của Vietnam Airlines với gần 30 năm kinh nghiệm và vừa nghỉ hưu tại hãng hàng không quốc gia.