Hàng Buồm lộng gió cửa sông
Vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, chúng tôi thường lui tới trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội ở 19 Hàng Buồm (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cánh viết văn trẻ ở Hà Nội ngày đó rất mê tờ Báo Người Hà Nội.
Tôi quen nhà thơ Tô Hà (1939-1991), một biên tập thơ khó tính nhưng rất hiền hậu. Có lần ông mắng tôi vì cái tội cứ nghĩ nhà thơ Nguyễn Bính đã làm mấy câu: "Anh đi đấy? Anh về đâu?/ Cánh buồm nâu... cánh buồm nâu... cánh buồm" tại bến Giang Khẩu đầu phố Hàng Buồm ngày xưa. Thế rồi ông kể chuyện tôi nghe.
Phố dọc sông Tô
Phố cổ Hàng Buồm (phường Hà Khẩu) hình thành từ thời Lê - Trịnh (1553-1788) trên nền tảng hồn cốt ngàn năm của Đền Bạch Mã (số nhà 76). Đầu phố nằm ngay trên bến cửa sông Tô nối với sông Hồng chảy về đường Nguyễn Siêu hiện nay (phía sau dãy số nhà chẵn Hàng Buồm). Các cửa hàng dọc bờ sông buôn bán chủ yếu là bị cói, buồm vải, mành, lưới, gió và cột thuyền… Phía sau Đền Bạch Mã còn có chợ Bạch Mã nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Chợ ngày càng đông vui từ khi người Quảng Đông tràn tới buôn bán hàng trăm mặt hàng mới lạ. Vào cái đận đó (giữa thế kỷ 19) những người Hà thành bán buồm, lưới và các đồ cói thất cơ lỡ vận dạt về mấy phố lân cận. Các thương nhân người Hoa xây dựng nhà cửa và Hội quán rất đình đám. Hàng Buồm dài tới 300 mét nhiều quán hàng ăn Quảng Đông thu hút khách tấp nập ngày đêm. Đặc biệt, món thịt quay nổi tiếng vẫn được con cháu họ giữ nghề cho tới ngày nay.
Tuy phố Hàng Buồm được mở mang phồn thịnh bậc nhất ngày đó nhưng người Hoa lại luôn gìn giữ và tôn trọng hương lễ Đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm). Đây là di trấn kinh thành phía Đông được xây dựng từ thời nhà Đinh (Bạch Mã tối Tứ Linh). Do quy định của triều đình qua các niên đại, dần dần người Hoa đã được Việt hóa. Họ sống, tuân thủ pháp luật và các nghi lễ tâm linh nên hòa đồng với văn hóa bản địa.
Hơn nữa, Đền Bạch Mã linh thiêng được coi là vũ trụ thần linh của người Việt án ngữ tạo nên chân đế vững mạnh cho đến nay. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, một vị thần gốc của Hà Nội cổ và đã được nhiều đời vua tu sửa và tôn tạo. Cùng với biểu tượng thần Ngựa trắng, đền được coi là một di sản kiến trúc tâm linh độc đáo. Sự uy nghiêm của Đền Bạch Mã như một biểu tượng thể hiện sức mạnh dựng nước và giữ nước của ông cha ta hàng ngàn năm qua.
Đường phố Hàng Buồm men theo dòng sông Tô từ Chợ Gạo tới ngã tư Hàng Ngang - Hàng Đường và Lãn Ông. Ngã phố ấy tạo nên trục thương mại từ bến bãi Hà Khẩu kết nối với chợ Cầu Đông. Hình ảnh kẻ chợ rộn ràng được ghi lại trong ca dao: "Ngày đêm trên bến dưới thuyền/ Phố vui tấp nập bon chen bất thường/ Mặt ngoài có phố Hàng Đường/ Hàng Mây, Hàng Mã. Hàng Buồm, Hàng Chum/ Tiếng Ngô tiếng Nhắng um um/ Lên lầu xem điếm tổ tôm đánh bài…". Có lẽ vì thế chăng nên tôi luôn có mặc cảm rằng nhà thơ Nguyễn Bính đã tới ngã Hàng Buồm này và tức cảnh: "Hôm nay dưới bến xuôi đò/ Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau...". Hóa ra không phải, nhà thơ Tô Hà giải thích thi sĩ Nguyễn Bính mãi tới năm 1918 mới ra đời mà trong khi đó thực dân Pháp đã cho lấp sông Tô Lịch (làm đường Nguyễn Siêu) từ năm 1889.
Hàng Buồm đã mất nghề bán lưới, bán buồm, còn mất cả bến bãi nhộn nhịp sông nước ngày nào. Không ít nhà thơ đã nhớ đến cảnh xưa bến cũ nên viết: "Hàng Buồm chẳng còn cánh buồm/ Thuyền đậu nơi nào em đến/ Sông Hồng cách xa biền biệt/ Bãi ngô cát trắng mùa xuân" (Thái Thăng Long). Riêng nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú tôi đoán chắc cũng đã từng ám ảnh cánh buồm nâu một thuở Nguyễn Bính nên đã viết: "Hàng Buồm vắng cánh buồm nâu/ Hay buồm em đem giấu/ Để ta neo đến bạc đầu" (Hàng Buồm). Còn tôi vẫn cứ thẫn thờ với những ô cửa tò vò trên những mái nhà xanh rêu đầu phố. Cô bé ngày xưa ấy e thẹn mà chỉ "Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau". Và đó chính là hồn phố mà tôi thường mơ tìm về những ô cửa thầm kín đó đây.
Mơ đời chiến sĩ
Vào thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế thị trường manh nha phát triển, Báo Người Hà Nội là nơi thu hút những cây bút giỏi nhất của Thủ đô. Chúng tôi càng hồ hởi mỗi khi tới ngôi nhà số 19 Hàng Buồm để hóng chuyện của nhà văn Tô Hoài. Cái duyên ông kỳ lạ lắm, cứ thủ thỉ nhẹ nhàng thấm ngọt từng lời. Lần ấy nhà văn chỉ sang số nhà 26 rồi nói đó chính là bệnh viện dã chiến của Trung đoàn Thủ đô hồi 1947. Sau đó, ông đọc mấy câu thơ của một chiến sĩ in trên Báo Vệ quốc đoàn ngày đó. Những câu thơ mang hơi hướng kiêu hùng lãng tử: "Mùa xuân đi không tiếc nửa đời hương/ Em lòng ơi giữ lấy giấc mơ hường/ Ai mải miết một trời son phấn/ Ta hùng anh lừng hát tiến lên đường" (Mạc Tần). Rồi ông cho biết đây chính là linh hồn, cái tứ cho nhạc sĩ Lương Ngọc Trác sáng tác ca khúc mới động viên chiến sĩ Thủ đô.
Tôi đã từng nghe có lần nhạc sĩ Lương Ngọc Trác bộc bạch, khi bị thương trong trận đánh ở Hàng Hòm, ông được khênh về binh trạm số 26 phố Hàng Buồm (2/1947). Những câu thơ của Mạc Tần tình cờ ông đọc được trên giường bệnh đã tạo dựng hình tượng âm nhạc để khởi phát cho giai điệu "Mơ đời chiến sĩ". Những câu nhạc đầu tiên được viết ra trong tiếng súng vang lên từ mặt trận chợ Đồng Xuân. Khói lửa còn cháy lan cả vào bệnh viện. Tới năm giờ chiều bài hát đã hoàn tất. Mặc cho đôi chân bị thương, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã đứng bật dậy lưng tựa vào tường và cất tiếng hát. Các chiến sĩ trên giường bệnh đều say sưa lắng nghe lời ca: "Mùa xuân đi in dấu hằn đau thương/ Em lòng ơi giữ lấy giấc mơ hồng/ Ai mải miết cuộc đời quen êm ấm/ Ta ra đi cùng tiếng hát trên đường…". Một nhịp điệu hành khúc thôi thúc những chiến sĩ lên đường ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Không khí thật sôi sục mãnh liệt, phơi phới thanh xuân.
Hàng Buồm còn có một kỳ nhân mà ít người biết tới nhưng anh em văn nghệ thì không lạ gì. Đó chính là quái kiệt Bổng "Hàng Buồm" ở số nhà 93. Sinh thời ông như một cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện khi tiếp xúc với những nhà văn hay họa sĩ đường thời. Ông luôn nhặt nhạnh và thu gom những bản thảo viết tay hoặc những bức tranh còn chưa hoàn thành.
Lẽ dĩ nhiên ông Bổng còn sưu tầm cả những tác phẩm hoàn chỉnh nhưng đa phần là di sản sót lại của các nhà văn nhà thơ hay họa sĩ. Ông có thể ngồi lì hàng ngày bên họa sĩ Bùi Xuân Phái đề chờ nhặt những bức tranh hỏng đã bị ông Phái vò xé rồi vứt vào sọt rác. Vậy mà ông Bổng thu gom về rồi là phẳng hay dán lại những bức tranh rác ấy rồi nửa đêm mò đến nhà Bùi Xuân Phái xin chữ ký. Chính vì thế mà Bổng "Hàng Buồm" có nhiều tranh của ông Phái nhất. Sau đó là tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng; thậm chí cả tranh Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn và Văn Cao.
Hơn nữa, Bổng "Hàng Buồm" còn có duyên với những bản thảo viết tay và bút tích của các văn sĩ. Nào là Phùng Quán, Hoàng Cầm, Trần Dần… đều có cả. Trong số đó tư liệu, bản thảo và bút tích của nhà văn Nguyễn Tuân là một kỷ lục. Sau này ông Bổng không biết bằng cách nào còn gom được 20 bản thảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Điều thú vị nhất là khi kỷ niệm 45 năm thành lập, Báo Văn nghệ đã phải mượn ông Bổng hàng chục bản in kẽm tác phẩm của tất cả các họa sĩ đã vẽ minh họa cho báo. Nghĩ giỏi đến thế là cùng.
Non xanh xanh nước xanh xanh
Giờ phố Hàng Buồm nằm trong vùng phố đi bộ cuối tuần. Không gian bến đò ô cửa tò vò như vẫn còn đâu đó làm con phố đượm nét hoài cổ hoang liêu mỗi khi hoàng hôn dịu lắng. Cho dù nhà Hội Quán người Hoa (số 22 Hàng Buồm) đã trở thành Trung tâm nghệ thuật thành phố nhưng vẫn còn đó Đền Quán Đế (số nhà 28), đình Hàng Thịt (số 8) và đặc biệt là Đền Bạch Mã.
Bến nước con đò xưa nay còn đâu nhưng các di sản còn lại luôn lung linh ánh sáng rực rỡ của Thăng Long ngàn năm. Những đêm cuối tuần các đào nương đã tới hát cùng với nhịp phách xốn xang một thuở. Đó là âm sắc gợi nhớ những ký ức kỳ vĩ của văn hóa ngàn năm. Không gian sân Đền Bạch Mã đêm về mênh mang cùng sóng nhạc ngày xưa: "Hồng hồng, Tuyết tuyết/ Nhớ ngày nào chửa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoát có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hang-buom-long-gio-cua-song-i699392/