Hàng chục hecta cây keo bị sâu đo tấn công

Thông tin từ Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh đang phát sinh dịch sâu đo hại keo với mật độ lên đến hàng trăm con/cây, khiến hàng chục nghìn ha keo bị trụi lá hoàn toàn.

Hàng chục hecta cây keo bị sâu đo tấn công. Ảnh: Phú Hương

Hàng chục hecta cây keo bị sâu đo tấn công. Ảnh: Phú Hương

Theo Chi Cục Trồng trọ và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An) trên địa bàn tỉnh đã có trên 31ha keo từ 2 - 4 năm tuổi bị sâu gây trụi lá hoàn toàn, có nguy cơ mất trắng.

Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của tỉnh Nghệ An.

Hiện tại, sâu trưởng thành lứa 1 đang vũ hóa, đẻ trứng rộ, dự báo trong thời gian từ 15 - 25/5, sâu non tuổi 1, 2 lứa 2 sẽ rộ, có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng từ cuối tháng 5 đến tháng 6/2024. Nếu bị sâu đo ăn một lần, cây keo có thể phục hồi, nhưng nếu bị sâu ăn từ 2 lần trở lên thì cây sẽ không thể phục hồi và bị chết.

Trao đối với Báo pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Đức - Chi Cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết, nguyên nhân có thể do việc người dân trồng cây theo kiểu đại trà trong thời gian ngắn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đất.

"Người dân trồng theo kiểu đại trà, cứ 4 năm lại chặt để thu hoạch xong đốt lá cây rồi lại trồng tiếp như vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh bùng phát", ông Đức chia sẻ.

Cũng theo ông Đức, để chủ động phát hiện, phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại do sâu đo gây ra đối với sản xuất keo nguyên liệu, không để bùng phát dịch trên diện rộng, các địa phương, cơ quan liên quan và các chủ rừng cần phải tập trung điều tra, phát hiện sớm và bao vây phòng trừ kịp thời.

Sâu trưởng thành lứa 1 đang vũ hóa. Ảnh: Phú Hương

Sâu trưởng thành lứa 1 đang vũ hóa. Ảnh: Phú Hương

Với rừng keo từ 3 năm tuổi trở lên, cần tiến hành vệ sinh thực bì toàn diện, hạn chế lớp thảm khô quanh gốc cây, đồng thời, sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học chứa vi khuẩn Bacillus thuringiensis như Bitadin WG, Delfin WG, Thuricide HP, Enasin 32WP... hoặc các thuốc có hoạt chất nguồn gốc sinh học như Abametin, Emamectin benzoate... để phun trừ sớm khi đa số sâu non ở tuổi 1 đến tuổi 3.

Khi phun thuốc, các địa phương, các chủ rừng cần phối hợp để sử dụng máy phun bột hoặc drone để phun rải đều lên toàn bộ tán lá. Bên cạnh đó, UBND các huyện cần xem xét chính sách hỗ trợ cho các đơn vị, chủ rừng phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu cao, nguy cơ gây hại nặng.

Được biết Nghệ An có diện tích rừng keo nguyên liệu từ 140.000- 180.000ha. Tuy nhiên lực lượng cán bộ chuyên môn ít, không thể bao quát hết tình hình phát sinh sâu bệnh hại một cách kịp thời.

Người dân không phát hiện kịp và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm phòng trừ dẫn đến bùng phát dịch sâu đo hại keo. Nếu không quyết liệt trong công tác phòng trừ, trong thời gian tới có nguy cơ cao phát sinh sâu đo hại keo với mật độ lớn, gây hại trên diện rộng./.

Bùi Hoàng Ý

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hang-chuc-hecta-cay-keo-bi-sau-do-tan-cong-post512672.html