Hàng chục hộ dân tranh chấp bồi thường với công ty cà phê tại dự án đường ngàn tỉ
Người dân cho rằng đã đầu tư 100% chi phí tái canh cây cà phê nên khi nhà nước thu hồi đất làm dự án, họ phải được hưởng toàn bộ giá trị bồi thường vườn cây.
Hàng chục hộ dân có đất liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức (gọi tắt là Công ty Việt Đức - huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đang khiếu nại về việc bị thu hồi đất thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh - đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nhưng bị công ty phân chia tiền bồi thường tài sản trên đất không hợp lý.
Ông Bùi Thanh Sơn (ngụ huyện Cư Kuin) cho biết năm 1993, ông nhận khoán 0,85 ha cà phê với Công ty Việt Đức. Đến năm 2017, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng tái canh cây cà phê và công ty không đầu tư đồng nào. Hiện nay, gia đình bị thu hồi 787 m2 đất để làm đường với giá trị bồi thường vườn cây là hơn 97 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ khi thu hồi đất là hơn 102 triệu đồng.
"Dù không đầu tư tái canh vườn cây nhưng Công ty Việt Đức đòi chia số tiền bồi thường vườn cây theo tỉ lệ công ty 52%, tôi chỉ được 48% là không hợp tình, hợp lý" - ông Sơn bức xúc.
Tình trạng trên cũng xảy ra với hàng chục hộ dân nhận khoán tại Công ty Việt Đức. Ngoài việc đề nghị được nhận bồi thường 100% giá trị vườn cây, người dân cũng đề nghị được nhận 100% giá trị hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.
Theo tìm hiểu, tháng 10-2021, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi khoảng 18 ha đất của Công ty Việt Đức đang liên kết với hơn 200 hộ để làm đường Hồ Chí Minh - đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Việt Đức, cho biết đến đầu tháng 11-2022, 177 người lao động (với 15,6 ha) đã hoàn thiện hồ sơ, phân chia tài sản với công ty và nhận tiền. Hiện còn 36 người chưa đồng ý với phương án phân chia tài sản và khiếu nại.
Lý giải về việc công ty không đầu tư tái canh vẫn đòi phân chia, ông Bình cho rằng trong phương án tái canh cây cà phê từ năm 2014 đến nay thì 1 ha công ty đầu tư 113 triệu đồng (tương ứng với 52% giá trị tái canh). Trong đó, có khoản tiền đầu tư thuê đất, chi phí quản lý và tiền chi trả trực tiếp để đầu tư cho người lao động gần 77 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, phần lớn người lao động nói trên không đồng ý tái ký hợp đồng giao nhận khoán và nhận tiền chi trả nên công ty đã nộp vào kho bạc nhà nước.
Cũng theo ông Bình, từ cơ sở đó, khi nhà nước bồi thường tài sản trên đất những diện tích cà phê tái canh, công ty lấy lại 52%. Công ty muốn trả 100% giá trị bồi thường cho người lao động cũng không được vì hồ sơ, sổ sách là vậy, nếu làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước thì công ty phải chịu trách nhiệm. Thực tế, sau khi hoàn trả số tiền đầu tư gần 77 triệu đồng/ha cho những người lao động trước đây không chịu nhận, số tiền phân chia của công ty chỉ còn lại trung bình 11% và được chuyển trực tiếp vào kho bạc để trả tiền thuê đất, công ty không nhận đồng nào.
Đối với kiến nghị của người dân được hưởng 100% số tiền hỗ trợ khi thu hồi đất, ông Bình lý giải những trường hợp nào ký kết hợp đồng nhận khoán với công ty còn hiệu lực thì nhà nước sẽ chi trả trực tiếp 100%. Ở đây, có hơn 30 người lao động mặc dù công ty đã nhiều lần vận động nhưng không ký hợp đồng nhận khoán thì căn cứ vào quy định của pháp luật sẽ không được hỗ trợ. "Đối với những người chưa ký hợp đồng nhận khoán, chúng tôi cũng đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cho người lao động nhưng không được" - ông Bình cho biết.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, dự án đường Hồ Chí Minh - đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột dài hơn 39 km, có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng. Dự án này đang chậm tiến độ đề ra do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cùng nhiều bất cập khác.