Hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết trong 8 tháng: Lý do Việt Nam chưa có vắc xin
Vắc xin sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm ở một số quốc gia nhưng còn nhiều vấn đề. Tại Việt Nam hiện chưa có vắc xin này.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 66.400 ca sốt xuất huyết, 17 ca tử vong. Các chuyên gia y tế cảnh báo năm 2023, Hà Nội có thể trở thành điểm nóng của dịch sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thống kê trung bình mỗi ngày có gần 500 ca bệnh.
Cả gia đình chị Nguyễn Thị H. (quận Hà Đông) đều bị sốt xuất huyết. Chị H. phải vào bệnh viện điều trị còn con trai và con gái theo dõi tại nhà.
“Toàn thân tôi nhức mỏi, nóng rát, hai mắt như có ai chọc sâu, xương khớp như bị đánh, miệng đắng khô. Ba lần mắc Covid-19 không đáng sợ bằng sốt xuất huyết. Hết sốt, người tôi mệt không nhấc nổi chân tay lên, bứt rứt, tiểu khó. Tôi đến một bệnh viện tư khám và xét nghiệm. Bác sĩ tư vấn nên vào các bệnh viện có khoa truyền nhiễm để điều trị. Tôi vào viện theo dõi tiếp 5 ngày, truyền dịch, truyền tiểu cầu mới được ra viện”, chị H. chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hà (quận Thanh Xuân) và con gái cùng mắc sốt xuất huyết. Bé gái 9 tuổi bị sốt cao, đến ngày thứ 4 hạ sốt nhưng chảy máu chân răng, nôn ói. Chị Hà hốt hoảng cho con vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Tại đây, rất nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết như con chị Hà, có gia đình cả cha mẹ, con cái cùng vào viện điều trị.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn ghi nhận 2 ca sốt xuất huyết tử vong trong năm nay. Bệnh nhân đầu tiên mới 19 tuổi (quận Hà Đông) có kèm theo bệnh nền. Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 45 tuổi (quận Hoàn Kiếm).
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà nhưng có một số trường hợp biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng, đặc biệt người có bệnh nền đi kèm.
Bác sĩ Thái cho biết, vắc xin sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng. Nhưng vắc xin này không đạt miễn dịch ổn định, không sinh miễn dịch với tất cả chủng virus Dengue, cụ thể là tuýp Den-2.
Nhiều người mong đợi vắc xin sốt xuất huyết nhất là người có bệnh nền, trẻ nhỏ vì nguy cơ biến chứng cao. Tuy nhiên, bác sĩ Thái chia sẻ, chúng ta không nên nghĩ người mắc bệnh nền tiêm vắc xin sốt xuất huyết sẽ được bảo vệ khỏi virus.
Ví dụ điển hình là Philippines, nơi có tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết rất cao. Năm 2016, quốc gia này đã đưa vắc xin phòng sốt xuất huyết vào tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, loại vắc xin đó không phù hợp với nhóm người dễ bị tổn thương nhất, gồm trẻ em 5-9 tuổi. Vắc xin có tác dụng phòng chống bệnh hiệu quả đối với những người từng nhiễm virus. Nhưng một số người từng tiêm vắc xin có thể diễn biến xấu hơn khi mắc bệnh. Sau đó, Philippines đã cấm sử dụng loại vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới này.
Theo ông Thái, một loại vắc xin sốt xuất huyết mới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản.
So với các bệnh truyền nhiễm khác, sốt xuất huyết có nhiều đặc thù. Vắc xin hiện nay chưa khả thi, có lẽ vì vậy nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam dù có sốt xuất huyết lưu hành nhưng chưa triển khai vắc xin.
Sốt xuất huyết Dengue gồm các tuýp là Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với tuýp virus đã mắc nhưng không có miễn dịch chéo với các tuýp virus còn lại nên vẫn tái nhiễm. Các tuýp đều có nguy cơ biến chứng nặng như nhau nên người dân không được chủ quan.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêu diệt tác nhân lây truyền bệnh (loăng quăng). Người dân chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan đến bệnh để biết cách xử trí đúng khi có dấu hiệu sốt xuất huyết.