Hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu vào Việt Nam mỗi tháng
Tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến phức tạp nhiều năm nay, nhất là lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong và ngoài nước.
Gia tăng tình trạng nhập lậu gia cầm
Chiều 17/10, tại hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm đang gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn dịch bệnh, phát triển đàn vật nuôi và cả xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Theo ông Tiến, văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ. Điều quan trọng hiện nay là thực hiện đúng Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp để cùng ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ở khu vực biên giới và trong nội địa.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000-250.000 tấn/năm. Trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Báo cáo về tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và công tác chỉ đạo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh động vật, ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.
Chăn nuôi chân chính khó cạnh tranh với gà "4 không"
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho rằng việc nhập lậu sản phẩm con giống diễn ra không phải do Việt Nam thiếu con giống hay chất lượng con giống thua các nước lân cận, cũng không phải là do Việt Nam có giá thành cao hơn các nước. Do những đợt khủng hoảng thừa gia cầm, các nước lân cận bán sang Việt Nam với giá rẻ.
Theo ông Tuấn, thói quen chăn nuôi và tiêu dùng của người dân cũng là yếu tố liên quan việc nhập lậu gia súc, gia cầm. Lãnh đạo công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam lấy ví dụ đối với gà chíp, người Trung Quốc chỉ nuôi gà mái nên gà trống được bán ra giá rất rẻ. Ngược lại, Việt Nam lại thích nuôi gà trống nên khi gà trống dư thừa bán sang Việt Nam sẽ là gà trôi nổi. Hoặc gà đẻ loại gần như gà siêu trứng được khai thác hơn 1 năm thì bán ra thị trường, bán sang Việt Nam giá thấp vì mục đích họ nuôi chỉ để lấy trứng chứ không sử dụng thịt.
Giá gia súc gia cầm ở thời điểm hiện tại biến động mạnh do ảnh hưởng lớn từ yếu tố dịch bệnh, làm cho chăn nuôi và nguồn cung không ổn định. Ông Tuấn kiến nghị các Bộ, ban, ngành và các tỉnh nhất có đường biên giáp các nước vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cũng cho rằng tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến phức tạp nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và nước ngoài.
"Lâu nay vẫn tồn tại các đường dây buôn lậu rất lớn trong từng ngành hàng lợn, gia cầm, trâu bò. Hậu quả là gây nên ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của gia cầm trong nước với sản phẩm nhập lậu. Làm sao chăn nuôi chân chính cạnh tranh được với gà 4 không?", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên liên tục, phải đụng chạm đến đường dây buôn lậu lớn thì mới thức tỉnh được dư luận.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đặt câu hỏi: "Lâu nay có bệnh truyền nhiễm nào xuất phát từ Việt Nam không? Mấy chục năm làm trong ngành chăn nuôi, tôi nhận thấy dịch bệnh đều là từ các nước khác vào, từ con đường nhập khẩu".
Theo ông Dương, an toàn thực phẩm cũng tương tự như vậy, phải tôn trọng quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Rất nhiều sản phẩm lòng mề, phụ phẩm đông lạnh từ các nước khác tràn vào không đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Nếu không kiểm soát được thì làm sao bảo vệ được thị trường. Việc phòng chống sản phẩm nhập lậu chắc chắn là khó và phức tạp, nhưng rõ ràng phải kiểm soát tốt không chỉ ở cửa khẩu, ở biên giới mà kiểm soát trong nước cũng quan trọng không kém. Nếu không làm tốt thì chỉ khổ người chăn nuôi trong nước...", ông Dương chia sẻ.
Để giải quyết tình hình trên, Cục Thú y cũng đề nghị đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Đơn vị này cũng đề nghị Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.
Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính được đề nghị chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vi địa bàn quản lý của Hải quan. Còn Bộ Công Thương cần chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép.