Hàng chục nghìn tỷ đang chờ tiêu cho các dự án cao tốc
Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách cho các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư để bố trí vốn.
Trước ngày 15/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Cụ thể, 3 bộ, 5 địa phương có dự án chưa đủ điều kiện (chưa phê duyệt chủ trương đầu tư) để phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu. Các đơn vị, địa phương gồm: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long. Tổng vốn 21.871 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án xây dựng, mở rộng cao tốc.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được bố trí số vốn lớn nhất, 8.770 tỷ đồng. Bình Phước còn có dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước, với số vốn 1.000 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải có 2 dự án là mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên và đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, vốn bố trí dự kiến lần lượt 3.011 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn dự án đầu tư thiết bị nội thất, trang thiết bị cho Cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (500 tỷ đồng). Bốn dự án của Bộ Công an tổng vốn 590 tỷ đồng.
Lâm Đồng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công - tư (PPP), giai đoạn 1 2.500 tỷ đồng. Vĩnh Long còn dự án đầu tư xây dựng Cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre (PPP) 1.600 tỷ đồng.
TPHCM có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đoạn qua TPHCM) với số vốn 1.386 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, còn 2 bộ, 5 địa phương (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Cần Thơ) chưa đủ điều kiện, chưa phê duyệt quyết định đầu tư để bố trí kế hoạch vốn hàng năm, hoặc không đề xuất bổ sung kế hoạch vốn năm nay để thực hiện dự án. Tổng vốn trung hạn đã được Chính Phủ giao các dự án này là 17.225 tỷ đồng.
Thái Bình có dự án lớn nhất 6.200 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP. Bình Dương có dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Dương theo phương thức PPP - 4.000 tỷ đồng. Dự án lớn khác là nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7), TP Cần Thơ (3.235 tỷ đồng)…