Hàng chục người Việt Nam bị cưỡng ép ở lại Nga làm việc
Đưa người lao động sang tới Nga, Phan Công Quốc thu giữ toàn bộ hộ chiếu, giấy tờ tùy thân rồi giam lỏng họ trong xưởng may không cho ra ngoài.
TAND Cấp cao tại TPHCM vừa bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Phan Công Quốc (ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trước đó, Quốc bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt 10 năm tù về tội “Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép”. Sau phiên sơ thẩm, Quốc cho rằng mình không cưỡng ép, chỉ muốn giúp người lao động đi làm có tiền nên đã làm đơn kháng cáo kêu oan.
Theo bản án phúc thẩm, năm 2007, Quốc xuất cảnh sang Liên bang Nga lao động tại các xưởng may của người Việt Nam làm chủ. Đến năm 2011, Quốc tự mở xưởng may nhưng thiếu người lao động nên nhờ cha mẹ và vợ đang ở Việt Nam tìm người đưa sang.

Bị cáo Phan Công Quốc (áo thun xám). Ảnh: Trọng Nguyễn/Công an tỉnh Bạc Liêu.
Sau khi gia đình tìm được người, Quốc điện thoại trực tiếp cho người lao động để thỏa thuận về điều kiện làm việc, ăn ở và tiền lương. Bị cáo hứa sẽ chi trả toàn bộ chi phí gồm vé máy bay, các giấy tờ liên quan. Nếu người lao động đồng ý thì phải đưa trước 40 triệu đồng. Ai không đủ tiền có thể đưa trước một phần, số còn lại sẽ trừ vào lương sau khi sang Nga làm việc.
Sau khi xong thủ tục giấy tờ, Quốc yêu cầu người lao động viết giấy cam kết sẽ ở lại làm 3 năm, nếu về trước thời hạn phải đền bù toàn bộ chi phí.
Khi người lao động sang tới Nga, Quốc thu giữ toàn bộ hộ chiếu và giấy tờ tùy thân, đồng thời giam lỏng họ trong xưởng may, không cho ra ngoài.
Làm việc một thời gian, do điều kiện ăn ở, làm việc khó khăn và thời tiết khắc nghiệt nên một số lao động đòi về, nhưng Quốc không đồng ý. Nhiều người làm căng, Quốc yêu cầu người thân của họ ở Việt Nam phải đưa cho cha mẹ và vợ anh ta từ 18-65 triệu đồng, tùy vào số tiền người lao động còn thiếu. Những trường hợp không trả lại tiền, Quốc không trả lại giấy tờ tùy thân.
Một thời gian sau, khi không còn khả năng lao động, 10 người đã liên lạc với gia đình, nhờ trả tiền cho Quốc để được trở về. Về tới Việt Nam, các nạn nhân tới cơ quan công an tố cáo hành vi của Quốc.
Ngày 15/3/2021, sau khi nhập cảnh trở lại Việt Nam, Quốc bị Công an tỉnh Bạc Liêu ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Tại cơ quan điều tra, Quốc thừa nhận từ năm 2012-2016 đã đưa 70 người từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, TP Hà Nội sang Nga làm việc tại xưởng may. Trong đó, Quốc đã cưỡng ép 39 lao động làm việc cho mình.
Hành vi phạm tội thực hiện tại Nga nhưng nơi cư trú cuối cùng của bị cáo tại Việt Nam là huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền xét xử là TAND tỉnh Sóc Trăng. Do đó, VKSND tỉnh Bạc Liêu đã chuyển vụ án cho VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố theo thẩm quyền.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Quốc không thừa nhận tội danh nhưng thừa nhận có đưa người sang Nga lao động.
Căn cứ vào các liệu chứng cứ và quá trình thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy cấp sơ thẩm xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai nên bác đơn kháng cáo của Quốc.