Hàng giả, hàng kém chất lượng - cái chính là địa phương phải tăng cường quản lý
'Luật chúng ta có, Ban chỉ đạo chúng ta có từ Trung ương đến địa phương, nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như vậy?'. Đặt câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, 'cái chính là địa phương phải tăng cường quản lý thị trường, cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa'.
Tập trung khắc phục những hạn chế có nguyên nhân chủ quan
Thảo luận tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điểm lại những thành tựu nổi bật của năm 2024 và những tháng đầu năm nay. Theo đó, năm 2024, sau nhiều năm, lần đầu tiên chúng ta đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09% là mức tăng khá cao trong khu vực; thu ngân sách vượt trên 342,7 nghìn tỷ đồng, tức là vượt hơn 20%.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng
Những kết quả đầu năm nay cũng hết sức tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; tăng trưởng tín dụng tích cực; thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán; Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà tre lá trong tháng 10/2025…
Theo Chủ tịch Quốc hội, những kết quả đạt được cho thấy, nền kinh tế của chúng ta phát triển, kinh tế tăng trưởng, ổn định vĩ mô được giữ vững và an sinh xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong điều hành những tháng còn lại của năm 2025 không được chủ quan bởi tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng và các chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, đòi hỏi phải linh hoạt trong các chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng
Phân tích tình hình hiện nay và những thách thức đặt ra trong những tháng cuối năm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu tập trung khắc phục một số hạn chế có nguyên nhân chủ quan như: tiến độ giải ngân đầu tư công rất chậm; sức mua phục hồi chậm ở một số lĩnh vực phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ…
Muốn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì hàng hóa phải chất lượng
Nhất trí với đánh giá của các đại biểu về việc cần thiết phải có những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, “đây là vấn đề phải tính kỹ”.
Với hơn 100 triệu dân, chúng ta có thị trường nội địa rất lớn. “Nhưng muốn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì hàng hóa phải chất lượng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Mấy tuần qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với số lượng "khủng".
Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: "Luật chúng ta có, Ban chỉ đạo (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - PV) chúng ta có từ Trung ương đến địa phương, nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như vậy?"

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Yêu cầu phải nghiêm túc kiểm điểm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, “cái chính là ở địa phương phải tăng cường quản lý thị trường, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái phải quyết liệt hơn nữa, qua đó để người tiêu dùng tin tưởng. Nói gì thì nói cũng phải tăng cường tiêu thụ hàng hóa, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiếp tục tăng cường và cải thiện an sinh xã hội
Về giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải tăng cường giải ngân đầu tư công; thúc đẩy lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường ra các nước khác ngoài các thị trường truyền thống.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với đề xuất của các đại biểu Quốc hội Tổ 13 về việc phải tiếp tục tăng cường và cải thiện an sinh xã hội; hết sức lưu ý vấn đề giải quyết việc làm, trong đó có nhóm đối tượng chịu tác động của việc thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy rời khu vực công để gia nhập khu vực tư.

ĐBQH Thái Thu Xương (Hậu Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Trong những tháng cuối năm, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần đặc biệt chú ý công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bão lũ, thiên tai…
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế pháp luật
“Quốc hội sẽ luôn đồng hành với Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế pháp luật để đáp ứng yêu cầu, thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhìn lại hoạt động của Quốc hội thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã hết sức khẩn trương, tích cực, quyết liệt thể chế hóa các chủ trương của Đảng.
Tại Kỳ họp thứ Chín này, hai Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 - PV) được Quốc hội hết sức ủng hộ, thể chế hóa ngay thành Nghị quyết số 197 và Nghị quyết số 198 của Quốc hội.
"Chỉ trong chưa đầy 2 tuần sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thì Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết thể chế hóa chủ trương của Đảng để triển khai thực hiện. Phải nói là lịch sử trong hoạt động của Quốc hội. Bây giờ là khâu triển khai thực hiện làm sao cho tốt để từ nay tới 6 tháng cuối năm chúng ta phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Từ nay đến cuối năm cả nước tập trung thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chính trị hệ trọng như tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tiếp tục sắp xếp bộ máy, sáp nhập các tỉnh, sắp xếp cấp xã, chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031; kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian vật chất không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Nhấn mạnh, “Kỳ họp thứ Chín này, trọng trách của ĐBQH chúng ta rất cao”, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, qua hơn hai tuần đầu của Kỳ họp cho thấy không khí rất hồ hởi, phấn khởi, các đại biểu hết sức trách nhiệm trong thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và biểu quyết thông qua các nội dung.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần này trong xem xét, thảo luận, quyết định các nội dung còn lại của Kỳ họp, đặc biệt là đóng góp, hiến kế các giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra.