Hàng giá rẻ tràn lan sàn Temu gây cạnh tranh bất bình đẳng với sản xuất trong nước

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cân nhắc, cẩn trọng khi mua hàng giá rẻ, siêu rẻ trên sàn thương mại điện tử Temu, vì chưa được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp.

Mới xuất hiện ở Việt Nam, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã gây cơn sốt về khuyến mãi khủng, với những lời mời gọi mua sắm có giá siêu rẻ. Cùng với đó là chương trình tiếp thị liên kết với hoa hồng cao, khiến sàn thương mại điện tử này thu hút sự quan tâm lớn của người dân.

Chỉ trong 2 phút, người dùng có thể tải app thương mại điện tử Temu bản tiếng Việt và đặt hàng, với các mã hàng giảm giá đến 70%; ưu đãi tiếp 490.000 đồng nếu bạn giới thiệu được 1 khách hàng tải app. Tuy nhiên, điều đáng nói, app thương mại điện tử này chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này gây không ít băn khoăn cho các doanh nghiệp trong nước, vì chưa đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp không phải nộp thuế là chưa công bằng với các sàn thương mại điện tử khác. Ngoài ra, hàng hóa giá rẻ từ sàn này có thể "bóp nghẹt" hàng hóa sản xuất trong nước, khiến các doanh nghiệp nội địa có nguy cơ thua trên sân nhà. Thực tế này đang đặt ra áp lực cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý hoạt động mua hàng qua mạng xuyên biên giới.

Nhiều mặt hàng bán trên sàn Temu được rao ở mức giảm giá sâu.

Nhiều mặt hàng bán trên sàn Temu được rao ở mức giảm giá sâu.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trên sàn Temu, những sản phẩm thông thường đang ở mức giá thấp hơn 50 - 60 % so với những sàn khác trên thương mại điện tử. “Cùng với đó, sàn nay có xu hướng mới là cạnh tranh về giá.Nnếu cạnh tranh về giá, khó cạnh tranh về chất lượng. Với mức lợi nhuận âm của sàn khó để có thể cạnh tranh đối với sản xuất”, ông Lê Hoàng Tài cho hay.

Vấn đề nữa là nếu như trước đây, mức lợi nhuận có thể là 10 - 20%, nhưng để cạnh tranh với những sản thương mại lớn, có tính chất toàn cầu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất trong nước chắc chắn sẽ bị giảm so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong lúc các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép như Shopee, Lazada hay Tiki chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, chấp hành các quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng… các sàn như Temu, Shein và 1688 ngang nhiên hoạt động không phép, đồng nghĩa với việc sẽ chưa hoặc không nộp thuế, không chịu sự kiểm soát, tạo ra cuộc chơi không công bằng.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) nhân định, theo quy định hiện nay, các chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan chức năng thực hiện vào dịp lễ, Tết, mức khuyến mại đối với hàng hóa, dịch vụ tham gia chương trình có thể từ 50% và tối đa 100%. Ngoài chương trình trên, việc xử lý vi phạm khuyến mại trên 50% cũng được cơ quan chức năng của Bộ Công Thương (như Cục Xúc tiến thương mại, Tổng Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương) thường xuyên kiểm tra các sàn thương mại điện tử.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới cả về chất lượng, bao bì sản phẩm, kết nối với nhau để tạo thành hệ sinh thái, nhằm phát huy điểm mạnh của các doanh nghiệp trong nước, để hiểu thị hiếu và gần với người sử dụng hơn, từ đó các doanh nghiệp trong nước sẽ có những lợi thế trước các doanh nghiệp cung cấp trên thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Hiện các cơ quan quản lý Nhà nước đã phối hợp cùng Hiệp hội thương mại điện tử nhằm đảm bảo có đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết sách phù hợp, đảm bảo hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đúng pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng,” ông Hoàng Ninh nói.

Tại công văn ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Đồng thời, tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, website, livestream.

Tổng cục Quản lý thị trường được giao phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hang-gia-re-tran-lan-san-temu-gay-canh-tranh-bat-binh-dang-voi-san-xuat-trong-nuoc-20241030164527776.htm