Hãng hàng không châu Âu dừng tất cả các chuyến bay đến thủ đô Moldova
Hãng hàng không này quyết định ngăn chặn rủi ro không phận từ cuộc xung đột ở nước láng giềng Ukraine cũng như căng thẳng giữa Moldova và Nga.
Theo tờ Guardian, hãng hàng không giá rẻ châu Âu Wizz Air tuyên bố sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến thủ đô Chisinau của Moldova do lo ngại an ninh
Tờ báo cho biết, Wizz Air sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Moldova từ ngày 14/3 do những lo ngại về an ninh liên quan đến căng thẳng gia tăng với Nga.
Quyết định này được đưa ra sau sự cố một tên lửa của Nga bắn qua không phận Moldovan hồi đầu tháng 2 này.
Hãng hàng không giá rẻ của Hungary ngày 27/2 ra thông báo cho biết: “Sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn vẫn là ưu tiên số một của Wizz Air".
“Sau những diễn biến gần đây ở Moldova và rủi ro gia tăng, dù không sắp xảy ra, trong không phận của đất nước, Wizz Air đã đưa ra quyết định khó khăn nhưng có trách nhiệm là tạm dừng tất cả các chuyến bay đến [thủ đô] Chisinau từ ngày 14/3", thông báo giải thích.
Bộ Cơ sở hạ tầng của Moldova cho biết họ lấy làm tiếc về quyết định của Wizz Air, đồng thời đảm bảo trong một tuyên bố rằng các chuyến bay “tuân thủ các quy trình, có thể được thực hiện an toàn”.
Cơ quan hàng không dân dụng của Moldova cho biết hãng hàng không Wizz Air đã xin phê duyệt lịch bay mùa hè vào ngày 14/2 và cơ quan này “xác định rằng các chuyến bay trong không phận quốc gia có thể được thực hiện an toàn bằng cách tuân theo một số quy trình”.
Wizz Air là hãng hàng không đầu tiên thông báo tạm dừng các chuyến bay tới Moldova. Các hãng hàng không quốc gia Romania, Tarom, Air Moldova, Turkish Airlines hiện vẫn tiếp tục có các chuyến bay đến thủ đô Chisinau.
Moldova đang là ứng cử viên thành viên Liên minh châu Âu với 2,6 triệu dân, nằm giữa Romania và Ukraine, gần đây đã đưa ra cáo buộc về “những nỗ lực gây bất ổn” chính trị từ bên ngoài.
Lãnh thổ của Moldova đã nhiều lần bị ảnh hưởng bởi các mảnh vỡ vũ khí từ cuộc xung đột ở Ukraine. Chisinau đã một số lần phải đóng cửa không phận của chính mình do chiến sự ở nước láng giềng.
Quốc gia này cũng rơi vào tình trạng mất điện sau khi Ukraine ngừng xuất khẩu điện vì các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng.
Đầu tháng này, Tổng thống Moldova, Maia Sandu, đã cáo buộc Nga âm mưu lật đổ chính quyền thân châu Âu ở nước này, với sự giúp đỡ của những kẻ phá hoại cải trang thành những người biểu tình chống chính phủ. Moskva đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này.
EU đã cấp quy chế ứng cử viên gia nhập liên minh cho cả Moldova và Ukraine vào năm ngoái, như một cử chỉ mang tính biểu tượng chống lại Nga. Phương Tây nghi ngờ Nga đang sử dụng Moldova và các nhóm ly khai ở vùng Transnistria để gây căng thẳng và tước nguồn cấp vũ khí cho Ukraine đến một mặt trận mới.
Trong khi đó, Nga quan ngại về tình hình vùng ly khai Transnistria ở Moldova, nơi Moskva cáo buộc Ukraine và các nước châu Âu khác đang khuấy động tình hình. "Tình hình ở Transnistria là vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm và là lý do khiến chúng tôi quan ngại. Các thế lực bên ngoài đang khuấy động, gây bất ổn tình hình ở đây", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 27/2.
Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi Moldova thúc đẩy nỗ lực gia nhập EU. Mối quan hệ song phương càng căng thẳng hơn từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022. Trong một diễn biến mới nhất cho thấy căng thẳng giữa hai nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã thu hồi sắc lệnh năm 2012 vốn nhằm ủng hộ chủ quyền của Moldova trong việc giải quyết tương lai của vùng ly khai Transnistria. Trong sắc lệnh, Moscow cam kết tìm cách giải quyết vấn đề vùng ly khai Transnistria "dựa trên tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tình trạng trung lập của Cộng hòa Moldova".