Hàng hóa nông sản dự báo sẽ tăng từ 10 đến 20% những ngày cận Tết
Còn một tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị trường tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang nóng dần lên. Trong đó, nhu cầu của thị trường về các mặt hàng nông sản thiết yếu cho dịp Tết đang tăng mạnh. Các vùng sản xuất nông sản của tỉnh đang nhộn nhịp, sẵn sàng cung ứng những sản phẩm an toàn, chất lượng bảo đảm nhu cầu của người dân dịp Tết.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên các cánh đồng trồng rau, quả của tỉnh luôn tấp nập, nhộn nhịp. Các HTX đang tập trung sản xuất, thu hoạch nông sản để đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) Nguyễn Văn Dương, cho biết: HTX có 30 ha trồng các loại rau, quả: su hào, bắp cải, rau ăn lá, cà chua, đậu cô ve... Để bảo đảm chất lượng rau an toàn, HTX đã yêu cầu các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc trong quy trình gieo trồng. Vì vậy, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ với khối lượng lớn. Dịp Tết năm nay, do những ngày vừa qua thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và thu hoạch rau màu nên giá thành rau, củ, quả tăng từ 10-20% so với ngày thường. Nhờ đó, những ngày cận Tết, người dân địa phương đang đẩy mạnh thu hoạch, tiêu thụ kỳ vọng tăng doanh thu, lợi nhuận từ 5-10% so với cùng kỳ.
Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh cũng đang hoạt động hết công suất. Bà Tống Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (Đông Sơn), cho biết: Những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao nên dự kiến mức tiêu thụ rau quả, trứng, thịt gia cầm của công ty tăng từ 10% đến 20% so với ngày thường. Do đó, ngoài cung ứng từ 1-1,5 tấn rau củ, quả mỗi ngày, công ty còn liên kết với các trang trại vệ tinh, thu mua cung ứng khoảng 2 vạn quả trứng, khoảng 3 tấn thịt lợn, gà cung cấp cho siêu thị, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp ở khu vực TP Thanh Hóa.
Khảo sát thực tế trên các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, cho thấy, sức tiêu thụ các loại sản phẩm nông sản đều tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Trong đó, rau xanh là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất từ 10% đến 20% so với ngày thường. Cụ thể, như: bắp cải, su hào, súp lơ có giá từ 12.000 đồng/kg đến 18.000 đồng/kg, tăng 20% so với ngày thường; rau ăn lá các loại 28.000 đồng/kg, tăng 12% so với ngày thường.
Các loại thực phẩm khác, như: giá gà ta bắt đầu tăng khoảng 8%, do nhu cầu tăng trong ngày lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp); giá lợn hơi và lợn thịt tăng khoảng hơn 5% do nhu cầu thịt lợn tăng phục vụ làm nem, giò, chả và các loại bánh trong dịp Tết.
Theo dự báo của ngành Công Thương, nhờ chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu từ những tháng cuối năm 2023 nên các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của Nhân dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc thiếu hàng, giá các mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục ổn định. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá thu, cá trắm, tôm biển... và mặt hàng thực phẩm chế biến như: giò lụa, giò bò, chả bìa... sẽ tăng khoảng từ 10% đến 20% trong những ngày giáp Tết do nhu cầu tăng cao trong Nhân dân.
Để bảo đảm thị trường hàng hóa nông sản trong dịp Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang chỉ đạo các địa phương duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục điều tra, theo dõi sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng. Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh.