Hàng không tăng chuyến, tăng tỷ lệ delay
Trong 1 tháng gần đây, các hãng hàng không Việt thực hiện 28.230 chuyến bay, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tỷ lệ delay cũng không có dấu hiệu giảm.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo số liệu khai thác của toàn ngành trong vòng 1 tháng từ 19/10 đến 18/11. Số liệu được tổng hợp từ 5 hãng hàng không đang hoạt động gồm Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar, Bamboo, VASCO.
Tỷ lệ delay chưa cải thiện
Trong tháng 11, toàn ngành có 25.370 chuyến cất cánh đúng giờ, chiếm tỷ lệ 89,6%. Chỉ số bay đúng giờ (OTP) giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Các hãng bay Việt để xảy ra 2.947 vụ chậm chuyến, chiếm 10,4% tổng số chuyến bay. So với tháng 11/2018, tỷ lệ chậm chuyến có chiều hướng tăng.
VietJet là hãng có số chuyến đúng giờ nhiều nhất (10.172 chuyến) nhưng cũng là hãng có tỷ lệ delay cao nhất với 1.625 vụ chậm chuyến (chiếm 12,8%). Xếp sau là Vietnam Airlines với 886 chuyến (chiếm 8,3%). Bamboo Airways chậm 128 chuyến (chiếm 5,3%).
So với cùng kỳ 2018, tất cả 5 hãng bay đều có xu hướng giảm chỉ số OTP.
Về nguyên nhân chậm chuyến, 46% số vụ có lỗi từ các hãng bay, 45,4% nguyên nhân do máy bay về muộn, 5,7% do công tác quản lý bay và trang thiết bị, dịch vụ tại cảng. Chỉ có 1,2% nguyên nhân chậm chuyến là do thời tiết.
VietJet có số chuyến bị chậm với nguyên nhân từ hãng nhiều nhất: 1.073 chuyến, chiếm 9,1%. Với 1.625 vụ delay trong 1 tháng, trung bình mỗi tuần hãng hàng không này có trên 50 chuyến bị delay.
Trong khi đó, Vietnam Airlines có 166 chuyến chậm do lỗi của hãng và 134 chuyến chậm do lỗi của bộ phận quản lý, điều hành bay và trang thiết bị tại cảng.
Một số chuyên gia hàng không cho rằng chậm chuyến trầm trọng nhất chủ yếu do tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất, dẫn đến chậm chuyến dây chuyền ở các sân bay khác. Bên cạnh đó, năng lực quản lý giám sát chuyến bay của Việt Nam còn rất hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Tần suất bay tăng mạnh
Theo báo cáo, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện 28.230 chuyến bay trong 1 tháng, tăng 24% sovới cùng kỳ 2018. Sản lượng khách cũng tăng 21%, đạt 4,5 triệu lượt.
Số chuyến bay tăng 24% sau một năm có thể coi là sự tăng trưởng nhanh chóng của toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng này có nguyên nhân từ nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, kéo theo chính sách mua thêm máy bay, tăng số chuyến của các hãng bay. Bên cạnh đó, sự góp mặt của "tân binh" Bamboo Airways từ đầu năm 2019 cũng khiến quy mô ngành hàng không lớn hơn.
VietJet là hãng bay đứng đầu về tốc độ tăng chuyến với mức tăng 26,7% sau 1 năm. Tính đến 15/11, đội bay của hãng có 67 chiếc, tăng 11 chiếc so với cùng kỳ 2018.
Vietnam Airlines đứng thứ 2 với tỷ lệ tăng chuyến 9,3%. Sau một năm, Hãng hàng không Quốc gia cũng sắm thêm 13 máy bay, nâng đội bay lên 102 chiếc.
Tuy nhiên, cơ cấu tăng trưởng có sự khác biệt rõ ràng giữa các hãng bay. Hai hãng Jetstar và VASCO đều giảm số chuyến sau một năm khai thác.
Tại thị trường nội địa, VietJet đang có nhiều đường bay nhất và nắm thị phần lớn nhất với 45,3%. Vietnam Airlines xếp thứ 2 với 31,8% và Bamboo Airways chiếm 9,7%.
Với các chặng bay quốc tế, số lượng khách lựa chọn hãng bay Việt là 1,5 triệu lượt (chiếm 43% thị phần). Trong đó, Vietnam Airlines dẫn đầu với 21,3%, Jetstar chiếm 2,1%, Bamboo chiếm 0,4%. VietJet cũng bám sát vị trí của Vietnam Airlines với 19,2% thị phần.
Nhìn tổng thể, sự gia tăng số chuyến cũng là nguyên nhân tất yếu dẫn đến chậm hủy chuyến trong bối cảnh hạ tầng hàng không chưa được mở rộng.
Theo Cục Hàng không, 7/22 sân bay của Việt Nam bị quá tải. Các slot trong giờ vàng tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều đã kín chỗ khiến các hãng bay muốn tăng chuyến phải chuyển sang bay đêm hoặc lựa chọn những chặng bay khác. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn cho các hãng bay sắp ra đời như Vinpearl Air hay Vietravel Airlines.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hang-khong-tang-chuyen-tang-ty-le-delay-post1018191.html