Hàng không Việt trước nguy cơ cạn kiệt dòng tiền ngay sau Tết

Trong bối cảnh nguồn tài chính tích lũy đã cạn kiệt sau một năm 2020 'chiến đấu' kiên cường với dịch bệnh, các hãng hàng không Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể vượt qua những thách thức mới trong năm 2021.

Các hãng hàng không đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết cổ truyền

Các hãng hàng không đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết cổ truyền

Dịch bệnh Covid 19 đang có những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới ngành hàng không trên toàn thế giới. Theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 đại dịch Covid 19 khiến sản lượng hàng không toàn cầu giảm 66%, các hãng hàng không thế giới bị lỗ 128 tỷ USD (so với mức lãi năm 2019 là 29 tỷ USD).

Tại Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không trong nước đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Hiện thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66,6 nghìn khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.

Thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng. Đáng chú ý, do dịch bệnh đợt 3 diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch (27/01-26/02/2021), khi nhu cầu vận chuyển đạt cao điểm nhất trong năm, nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí tăng cao do phải đảm các biện pháp phòng dịch.

Giải cứu ngành hàng không quan trọng nhất là 'nhanh và công bằng'

Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70 đến 80% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh hoạt động bay bị thu hẹp, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không đều bị ảnh hưởng bất lợi, giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng từ tháng 3/2020.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.

Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết cổ truyền.

Trong bối cảnh này, theo ông Nề, các hãng hàng không Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể vượt qua những thách thức mới trong năm 2021.

Giải pháp cấp bách "cứu" các doanh nghiệp hàng không

Từ thực trạng khó khăn của ngành hàng không hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư đề suất và kiến nghị một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho rằng, hiện nay, nguồn vốn hoạt động là vấn đề cấp thiết nhất đối với các hãng hàng không do dịch bệnh bùng phát nhiều lần, mỗi lần bùng phát lại làm lượng hành khách bay suy giảm mạnh mẽ, khiến doanh thu của các doanh nghiệp giảm theo, dẫn tới mất cân đối dòng tiền kéo dài.

Hiện Vietnam Airlines đã được hỗ trợ và khoản tín dụng này đã có tác động tốt tới hoạt động của tổng công ty. Do đó, hiệp hội đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không. Trong đó có VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ.

Thứ hai, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đề nghị Chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp hàng không được hỗ trợ lãi suất theo tinh thần của nghị quyết này.

Hiện nay, Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, nhiều doanh nghiệp ngành hàng không không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không thuộc nhóm chịu tác động trực tiếp lớn nhất bởi dịch bệnh, đang có nhu cầu vốn rất lớn mà việc tháo gỡ những khó khăn này lại ảnh hưởng tới không chỉ rất nhiều lao động trong ngành, mà còn tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế ở hầu hết các địa phương.

Thứ ba, hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020~2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. Do dịch bệnh lại tái bùng phát, gây ra nhiều tác động to lớn, làm nhu cầu của các doanh nghiệp về việc vay vốn sau ngày 23/01/2020 tăng nhanh và cần tiếp tục được hỗ trợ để tái cơ cấu nợ. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN là cần thiết.

Thứ tư, Nhà nước cần từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có chứng nhận tiêm vắc-xin, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như: Châu Âu, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua đó, nhằm phục hồi lại thị trường hàng không trong nước và quốc tế.

Thứ năm, hiệp hội đề nghị tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900- 1.000 đồng/ lít (là mức giá vẫn nằm trong khung quy định theo Luật thuế BVMT 57/2010/QH12). Ngày 21/12/2020, Ủy Ban TVQH đã ban hành NQ 1148/2020/UBTVQH14 về việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít cho đến hết 31/12/2021. Hiệp hội kính đề nghị tiếp tục cho giảm sâu hơn mức thuế này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đề nghị gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân; thuế nhà thầu nước ngoài; tiền thuê đất cho toànbộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết 31/12/2021, đồng thời, gia hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu các thiết bị, vật tư đặc thù của ngành nhằm đảm bảo tuân thủ công tác bảo trì bảo dưỡng định kỳ.

Đây là những khoản thuộc nghĩa vụ của doanh nghiệp và không một doanh nghiệp nào né tránh. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc đảm bảo cân đối dòng tiền ngắn hạn, các doanh nghiệp hàng không kiến nghị Nhà nước cho gia hạn nộp những khoản thuế này cho tới hết năm 2021.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay, kéo dài thời gian triển khai gói hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời cho phép gia hạn việc tạm dừng đóng BHXH (Quỹ hưu trí và tử tuất) đến hết tháng 12/2021.

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hang-khong-viet-truoc-nguy-co-can-kiet-dong-tien-ngay-sau-tet-1616403511726.htm