Hàng loạt các ngân hàng trung ương EU tăng lãi suất nhằm chống lạm phát

Các ngân hàng trung ương trên khắp châu Âu đã đồng loạt tăng lãi suất vào thứ 5, gây chấn động thị trường và ám chỉ chi phí đi vay thậm chí còn cao hơn để chế ngự lạm phát tăng cao đang làm xói mòn tiết kiệm và siết chặt lợi nhuận doanh nghiệp.

Bị ảnh hưởng ban đầu bởi giá dầu tăng cao sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, tỷ lệ lạm phát cao đã lan rộng ra tất cả mọi thứ, từ hàng hóa, thực phẩm đến dịch vụ tại châu Âu.

Mức lạm phát cao như vậy đã không còn xuất hiện ở một số nơi kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Quốc gia Hungary đều khiến thị trường bất ngờ với các bước tăng lãi suất lớn chỉ vài giờ sau khi FED nâng lãi suất mức cao kỷ lục. Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Quốc gia Hungary đều khiến thị trường bất ngờ với các bước tăng lãi suất lớn chỉ vài giờ sau khi Cục Dự trữ Liên bang FED nâng lãi suất lên mức cao nhất sau gần ba thập kỷ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng chi phí đi vay theo điểm quý đúng như mức mà thị trường đã dự đoán.

Các động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đồng ý kế hoạch trong một cuộc họp khẩn cấp để kiềm chế chi phí đi vay ở phía nam của khối để có thể đạt được mức lãi suất tăng trong cả tháng 7 và tháng 9.

George Lagarias, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Mazars Wealth Management, cho biết: “Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới đối với các ngân hàng trung ương, nơi giảm lạm phát là mục tiêu duy nhất của họ, ngay cả với cái giá phải trả là sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế”.

Động thái lớn nhất trong ngày đến ở Thụy Sĩ khi SNB tăng lãi suất chính sách lên -0,25% từ mức -0,75%, một bước tăng quá lớn mà không một nhà kinh tế nào dự đoán được.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho biết đợt tăng đầu tiên của SNB kể từ năm 2007 không phải là lần cuối cùng và ngân hàng có thể thoát khỏi vùng tiêu cực trong năm nay.

Chủ tịch SNB Thomas Jordan phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Dự báo lạm phát mới cho thấy việc tăng thêm lãi suất chính sách có thể là cần thiết trong tương lai gần.”

Đồng franc Thụy Sĩ đã tăng gần 1,8% so với đồng EUR và hướng tới mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 1 năm 2015 khi SNB rút đồng franc ra khỏi tỷ giá đồng EUR của mình.

Tại London, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tỏ ra thận trọng hơn nhưng cho biết họ đã sẵn sàng hành động mạnh mẽ để dập tắt những nguy cơ có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng trên 11%.

Đây là lần thứ năm BoE tăng chi phí đi vay kể từ tháng 12 và lãi suất chuẩn của Anh hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2009.

Tuy nhiên, ba trong số chín nhà thiết lập lãi suất đã bỏ phiếu cho một mức tăng lớn hơn 50 điểm cơ bản, điều này cho thấy rằng ngân hàng sẽ phải chịu áp lực tiếp tục tăng lãi suất, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại mạnh mẽ.

Maike Currie, Giám đốc Đầu tư cho Đầu tư Cá nhân tại Fidelity International cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang trong tình trạng căng thẳng, với mối lo ngại lớn nhất rằng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể đẩy các nền kinh tế vào suy thoái. Chính sách tiền tệ thắt chặt là một công cụ rất cùn để quản lý một thị trường bấp bênh.”

Bất chấp việc tăng lãi suất, đồng bảng Anh vẫn giảm mạnh do một số người trên thị trường đã chuyển sang đồng USD nhiều hơn khi Fed tăng 75 điểm lãi suất cơ bản vào tối thứ 4 vừa qua. Tuy nhiên, đồng tiền yếu hơn sẽ đồng nghĩa với lạm phát nhập khẩu cao hơn và áp lực tăng tỷ giá lớn hơn.

Huy Hoàng (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hang-loat-cac-ngan-hang-trung-uong-eu-tang-lai-suat-nham-chong-lam-phat-post199610.html