Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật: Nhận diện đúng gốc rễ nằm ở tiêu cực
Muốn giải quyết tận gốc, từ sớm, từ xa thì phải chống tiêu cực, đặc biệt là chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Để ngăn chặn phải làm quyết liệt, không trừ một ai và không trừ lĩnh vực nào.
Tại kỳ họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục chỉ ra những sai phạm ở nhiều địa phương, đơn vị, đồng thời thi hành kỷ luật và đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ.
Đáng chú ý, cơ quan kiểm tra của Đảng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật nguyên Bí thư Huyện ủy Mai Châu (tỉnh Hòa Bình); Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh; nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Hải khi kết luận họ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương...
Nhận diện đúng gốc rễ nằm ở tiêu cực
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, rất nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đã bị xử lý nghiêm khắc về mặt Đảng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, có một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt nhiều địa phương đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu…
Công tác xử lý kỷ luật được tiến hành thận trọng, nghiêm minh, công tâm, khách quan cùng với số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật tăng đáng kể trong thời gian qua đã phản ánh sự quyết liệt, nhất quán của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, càng không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kết hợp chặt chẽ giữa hai mặt xây và chống. Trong đó, xây là cơ bản, là chiến lược, lâu dài; chống là cấp bách, công việc thường xuyên phải làm.
Bước đầu, chúng ta nghĩ chống tham nhũng là tập trung vào những sai phạm, nhưng dần dần đã nhận diện đúng gốc rễ của tham nhũng chính là nằm ở tiêu cực. Muốn giải quyết tận gốc, từ sớm, từ xa thì phải chống tiêu cực, đặc biệt là chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Để ngăn chặn từ sớm, từ xa thì phải làm quyết liệt từ “gốc đến ngọn”, không trừ một ai và không trừ lĩnh vực nào.
Vị giáo sư phân tích, cái gốc của tham nhũng, tiêu cực suy đến cùng vẫn là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền thiếu rèn luyện, thiếu tu dưỡng, rơi vào chủ nghĩa cá nhân. Do đó, muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì trước hết phải tập trung vào chống chủ nghĩa cá nhân; phải coi trọng tự soi, tự sửa của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý.
“Những đồng chí nào, dù ở cương vị nào mà không chịu rèn luyện, không tự soi, tự sửa, rơi vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến mắc sai phạm, khuyết điểm thì tổ chức phải kiên quyết xử lý, thậm chí đưa ra khỏi Đảng. Đó là tinh thần nhất quán của Đảng ta và của Tổng Bí thư”, ông Phùng Hữu Phú đồng thời nhấn mạnh, tinh thần đó thể hiện bản lĩnh và tính chiến đấu của một Đảng cách mạng chân chính.
“Bác Hồ đã từng nói: "Chúng ta không sợ có khuyết điểm, chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”. Theo đó, nhận ra khuyết điểm, cương quyết xử lý khuyết điểm, và nếu không sửa được thì cương quyết gạt bỏ. Đó là phương châm cách mạng của Đảng chân chính”, ông Phùng Hữu Phú nhấn mạnh thêm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Phân tích nguyên nhân về việc không ít cán bộ, đảng viên mắc sai phạm đến mức bị kỷ luật thời gian qua, PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, cái gốc của vấn đề chính là sự xuống cấp về mặt đạo đức.
Khi đạo đức xuống cấp thì họ sẽ quên đi bổn phận của người cán bộ, đảng viên là “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, mà ưu tiên đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết.
Theo ông, cán bộ, đảng viên cần trở lại lời dạy của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do quá trình đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
“Đó là liều thuốc phòng tốt nhất những căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, ông Lê Văn Cường nói.
Còn theo GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, từ việc kỷ luật cán bộ thời gian qua cũng rút ra nhiều bài học thấm thía. Trong đó có bài học về bản lĩnh chính trị; bài học về thường xuyên rèn luyện đạo đức.
“Chúng ta phải siết chặt công tác giáo dục nhận thức, nêu những tấm gương tiến bộ để thúc đẩy. Đó là điều kiện cần, song vẫn chưa đủ, cái chính yếu là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để những người nào đã trót có “vết” thì phải biết hối hận, tự sửa chữa. Tuy nhiên, có những trường hợp quá muộn, không còn cơ hội sửa chữa thì buộc kỷ luật mức cao nhất”, GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ.
Để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống những thói hư, tật xấu không chỉ ở Trung ương mà còn ở cấp địa phương.
Song song đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để “vá” những lỗ hổng, kẽ hở bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình và sự giám sát của người dân.
Đồng thời cần nhiều giải pháp phù hợp trong việc quản lý, giáo dục đảng viên cũng như đề cao tính nêu gương theo tinh thần đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu./.