Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2025

Tăng mức phạt lỗi vi phạm giao thông; các quy định về giấy tờ thường trú, tạm trú; chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2025.

 Trong số những chính sách mới, quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025. (Ảnh: Diệu Linh)

Trong số những chính sách mới, quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025. (Ảnh: Diệu Linh)

Tăng mức phạt những lỗi vi phạm giao thông thường gặp

Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo đó, người điều khiển xe ô tô không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông...

Người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.

Để giấy phép lái xe quá hạn 1 ngày phải thi lại lý thuyết

Theo quy định tại Thông tư 35/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024, người có giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE để quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm phải sát hạch lý thuyết theo quy định để cấp giấy phép lái xe; quá hạn từ 1 năm trở lên phải sát hạch lý thuyết lẫn thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp lại. Như vậy, trường hợp để giấy phép lái xe quá hạn dù chỉ 1 ngày thì phải thi lại lý thuyết.

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Nghị định này quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; nội dung chi, mức chi cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Quy định mới về giấy tờ đăng ký thường trú, tạm trú

Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP ngày 26/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trong đó, Nghị định quy định rõ từ 10/1/2025, không bắt buộc phải nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân cũng như chỗ ở hợp pháp khi đăng ký cư trú.

Theo khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 6 Nghị định 154/2024/NĐ-CP, công dân khi đăng ký cư trú chỉ cần cung cấp thông tin về chỗ ở hợp pháp, thông tin về quan hệ nhân thân. Khi đó, cơ quan đăng ký cư trú sẽ khai thác thông tin của công dân trong Căn cước điện tử hoặc tài khoản định danh điện tử qua VNeID hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú…

Nếu không thể khai thác được thông tin này thì công dân cần cung cấp bản sao, bản chụp hoặc bản điện tử của một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở, quan hệ nhân thân khi được yêu cầu.

Ngoài ra, Nghị định quy định trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.

Quy định về mức trợ cấp tai nạn lao động

Theo Nghị định số 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần.

Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).

Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp tai nạn lao động.

Về mức trợ cấp tai nạn lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần, trong đó suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng 4 do Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là tháng lương tối thiểu vùng 4), sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng 4.

Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Nghị định cũng nêu rõ, thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiếu vùng 4.

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

Theo Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh, đối tượng hưởng chế độ, chính sách tại Nghị định số 177/2024/NĐ-CP gồm 3 nhóm: (1) Nhóm không đủ tuổi tái cử (còn dưới 30 tháng tính từ thời điểm đại hội đến thời điểm nghỉ hưu); (2) Nhóm còn đủ tuổi tái cử (từ 30 tháng đến 60 tháng); (3) Nhóm cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nghị định này quy định 2 chính sách, cụ thể là: Chế độ nghỉ hưu trước tuổi; Chế độ nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.

Các chế độ, chính sách áp dụng đối với người không đủ tuổi tái cử nghỉ hưu trước tuổi tăng hơn so với Nghị định hiện hành theo nguyên tắc cao hơn so với tinh giản biên chế.

Cụ thể: Tăng từ 3 tháng bình quân lên 5 tháng hiện hưởng cho 20 năm hoặc 15 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội; từ năm tiếp theo được hưởng 0,5 tháng tiền lương/năm có đóng bảo hiểm xã hội; không bị trừ tỷ lệ lương hưu đối với thời gian nghỉ hưu trước tuổi; tăng từ 3 tháng bình quân lên 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Chính sách đối với công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi

Điều 7 - Nghị định số 178/2024/NĐ-CP quy định, trường hợp có tuổi đời đủ 10 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và đủ 5 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn và đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để nghỉ hưu thì được hưởng 3 chế độ sau:

Một là, được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm: Trường hợp nghỉ trong thời hạn 12 tháng: Nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm; nếu có tuổi đời còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng. Trường hợp nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp của trường hợp nghỉ trong 12 tháng nêu trên.

Hai là, được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, gồm: Được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu; Được hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi (gồm: Đối với người còn từ đủ 2 năm đến dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm; đối với người còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm); được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng với thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời gian bổ nhiệm của chức vụ hiện đảm nhiệm để xét khen thưởng quá trình cống hiến. Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.

Chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức và và người lao động

Theo Điều 9 - Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 4 chế độ sau:

Được hưởng trợ cấp thôi việc: (1) Nếu nghỉ trong thời hạn 12 tháng thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc; (2) Nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc (tối đa 60 tháng).

Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Còn Điều 10 - Nghị định số 178/2024/NĐ-CP nêu rõ, viên chức và người lao động nghỉ thôi việc được hưởng 04 chế độ như cán bộ, công chức nghỉ thôi việc, chỉ khác chế độ thứ 4 là viên chức và người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả do tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

(tổng hợp)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hang-loat-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-12025-299310.html