Hàng loạt chuyến tàu hàng từ Trung Quốc đến Mỹ bị hủy

Hàng loạt chuyến tàu container chở hàng khởi hành từ Trung Quốc đã bị hủy do lượng đặt chỗ vận chuyển hàng đến Mỹ giảm mạnh.

Trong khi đó, các nước được Mỹ hoãn áp thuế đối ứng, trong đó có Việt Nam có thể đang được hưởng lợi khi nhu cầu nhập khẩu hàng sớm của các chủ hàng tại Mỹ tăng mạnh.

Container tập kết ở cảng Dương Sơn, phía nam Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Container tập kết ở cảng Dương Sơn, phía nam Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Lượng container tại các cảng Trung Quốc giảm nhanh

Công ty giao nhận vận tải quốc tế HLS Group (Trung Quốc) ghi nhận, có tổng cộng 80 chuyến tàu chở hàng bị hủy khởi hành từ Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Trong một báo cáo gửi cho khách hàng, công ty này giải thích, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dẫn đến nhu cầu giảm mạnh, các hãng vận tải biển bắt đầu tạm dừng hoặc điều chỉnh các dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.

Liên minh vận tải đường biển ONE của ba hãng tàu Nhật Bản K-Line, MOL và NYK tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới đối với một tuyến vận chuyển mà trước đó đã lên kế hoạch khôi phục vào tháng 5. Tuyến đường này đi qua các cảng Thanh Đảo, Ninh Ba, Thượng Hải ở Trung Quốc, Pusan (Hàn Quốc), Vancouver (Canada) và Tacoma (Mỹ).

Hoạt động các cảng Trung Quốc sụt giảm vào đầu tháng 4. Dữ liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan của Tổng thống Trump.

Theo dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, lượng hàng hóa được xử lý tại các cảng trên khắp Trung Quốc trong tuần từ ngày 7 đến 13-4 đã giảm 9,7% so với tuần trước đó. Mức giảm này nhanh hơn mức giảm 0,88% của tuần đầu tiên khi Mỹ áp thuế đối ứng.

Ngân hàng đầu tư UBS dự đoán, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm 2/3 trong các quí tới và tổng lượng hàng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm 10% trong năm nay tính theo đô la Mỹ.

Tác động của việc giảm lưu lượng vận chuyển container đến Bắc Mỹ sẽ rất đáng kể đối với nhiều mắt xích trong nền kinh tế và chuỗi cung ứng, bao gồm các cảng và công ty hậu cần vận chuyển hàng hóa.

Bruce Chan, Giám đốc hậu cần toàn cầu của ngân hàng đầu Stifel, cho biết chính sách thuế quan gây ra bất ổn đáng kể đối với nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Điều này khiến và các nhà bán lẻ thận trọng với hàng tồn kho, đặc biệt là khi xét đến những thiệt hại do tình trạng tồn kho quá mức gần đây sau khi chuỗi cung ứng thắt chặt khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2021-2022.

Lượng đặt chỗ vận chuyển hàng bằng tàu container từ tuần cuối tháng 3 đến tuần đầu tháng 4 trên các tuyến thương mại toàn cầu và đến Mỹ giảm mạnh. Một số danh mục hàng hóa như quần áo và phụ kiện, vải và hàng dệt may chứng kiến lượng đặt chỗ vận chuyển giảm mạnh hơn 50%.

Các loại sản phẩm chính từ Trung Quốc được vận chuyển bằng container bao gồm quần áo, đồ chơi, đồ nội thất và dụng cụ thể thao, tất cả đều phải chịu mức thuế quan cao của Mỹ. Hôm 15-4, Nhà Trắng cho biết, Trung Quốc đối mặt mức thuế tăng thêm lên tới 245% với một số hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ “do các hành động trả đũa của nước này”.

Theo Alan Murphy, CEO of Sea-Intelligence, các hãng vận tải biển có thể neo tàu để bảo trì giống như trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19. Các hãng cũng có thể hủy bỏ một chuyến đi, bỏ sử dụng hẳn một đội tàu được lên lịch chạy liên tục và định kỳ trên cùng một tuyến đường giữa các cảng, sử dụng tàu nhỏ hơn hoặc làm chậm tốc độ của các tàu.

Theo đó, các biện pháp này sẽ cắt giảm công suất sẵn có tổng thể của đội tàu container, giúp lấp đầy các tàu còn lại dẫn đến những tác động không chắc chắn đến giá cước nói chung trong ngành vận tải đường biển.

Thông thường, việc giảm các chuyến tàu có thể dẫn đến việc giảm giá cước. Tuy nhiên, trong thời kỳ Covid-19, động thái hủy bỏ các chuyến tàu là lý do khiến giá cước vận chuyển container từ châu Á sang Mỹ tăng vọt lên tới 30.000 đô la Mỹ.

Việt Nam đang hưởng lợi?

Tình hình giá cả và nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bất ổn và chịu sự biến động mạnh trong ngắn hạn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ. Trong bối cảnh thương mại Trung Quốc chịu nhiều căng thẳng, một chỉ số quan trọng về giá cước vận tải biển từ Việt Nam tăng vọt vào đầu tháng 4.

Cước vận tải biển “trung bình-thấp”, biểu thị chi phí vận chuyển hàng hóa cho một chủ hàng lớn trên một tuyến đường biển cụ thể, tăng 43% kể từ ngày 30-3 đối với Việt Nam, theo nền tảng giá cước vận tải biển Xeneta.

Cước vận tải biển "trung bình-thấp" là mức giá vận chuyển hàng hóa bằng đường biển nằm ở khoảng giữa hoặc thấp hơn so với mức cước trung bình trên thị trường tại một thời điểm nhất định. Ví dụ, nếu cước trung bình cho một container 20 feet từ châu Á đến châu Âu là 3.000 đô la, thì mức cước “trung bình-thấp” có thể dao động từ 2.000-2.500 đô la, tùy thuộc vào tuyến đường, thời điểm, và điều kiện thị trường.

"Thực tế là phân khúc thị trường cước vận tải thấp đang tăng trưởng, cho thấy sức nóng nhu cầu”, Peter Sand, giám đốc phân tích trưởng của Xeneta nói và cho biết xu hướng này sẽ tiếp tục sau quyết định của ông Trump tạm hoãn thực thi thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các đối tác ngoại trừ Trung Quốc. Thay vào đó, các đối tác này chỉ chịu mức thuế quan cơ bản là 10%.

Sand lưu ý, các chủ hàng lớn và nhỏ ở Mỹ đều phải trả thêm tiền cho việc vận chuyển hàng sớm, vì thời gian tạm dừng thuế đối ứng đã giúp việc nhập khẩu hàng hóa trở nên khả thi trở lại.

Nhu cầu nhập khẩu hàng sớm của các chủ hàng ở Mỹ có thể được thấy qua diễn biến giá cước vận chuyển container giao ngay trên tuyến TPHCM -Los Angeles (Mỹ), tăng vọt 24% trong tháng 4 tính cho đến nay.

Theo dữ liệu do Xeneta tổng hợp năm 2025, chênh lệch cước vận chuyển mỗi container 40 feet (FEU) biển từ cảng container lớn nhất Trung Quốc, Thượng Hải và cảng Cát Lái, cảng container lớn nhất Việt Nam đến các cảng Los Angeles và Long Beach ở bang California của Mỹ đã thu hẹp đáng kể.

Sand cho biết, ngay cả khi chi phí vận chuyển tăng lên, các chủ hàng ở Mỹ vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia không phải Trung Quốc vì tình hình vẫn còn rất khó lường.

“Rất có khả năng mức thuế quan cao hơn mức 10% tạm thời hiện nay sẽ có hiệu lực sau 90 ngày nữa hoặc thậm chí sớm hơn”, chuyên gia này nhận định.

Các nhà sản xuất đồ nội thất của Malaysia cũng đang tăng tốc hoàn thiện các đơn hàng để xuất khẩu sớm sang Mỹ trong thời gian được hoãn thuế đối ứng.

“Chúng tôi hiện đang làm thêm giờ và cố gắng hết sức để khích lệ công nhân vì 3 tháng tới sẽ rất bận rộn. Công ty chúng tôi đã vận chuyển được hơn 30 container trong 4 ngày qua, số lượng mà công ty thường vận chuyển trong một tháng”, Peihing Tsai,giám đốc tài chính của công ty nội thất Corporate Specialis ở bang Johor nói.

Theo CNBC, WSJ, AP

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hang-loat-chuyen-tau-hang-tu-trung-quoc-den-my-bi-huy/