Hàng loạt cổ phiếu tăng nóng 5-10 lần
Thị trường chứng khoán sôi động khi rất nhiều mã tăng giá hàng trăm phần trăm. Sự minh bạch là một vấn đề khi tần suất vi phạm hành chính ngày càng tăng lên.
Thị trường chứng khoán đang thu hút dòng tiền lớn và ghi nhận tốc tăng trưởng mạnh. Các chỉ số chính liên tục lập đỉnh mới và thanh khoản cũng ngày càng mở rộng khi những phiên giao dịch 2 tỷ USD đã xuất hiện.
Sự mở rộng của thị trường đi kèm với biến động của các nhóm cổ phiếu. Trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang trở thành động lực tăng trưởng chính. Hàng loạt mã quy mô trung bình đang tăng nóng và được kéo lên vùng đỉnh lịch sử.
Đáng kể nhất trong đợt tăng vượt đỉnh gần đây là nhóm cổ phiếu bất động sản tầm trung. Trong khi hoạt động mua bán bất động sản trực tiếp vẫn gặp khó vì đại dịch thì cổ phiếu bất động sản lại trở thành mặt hàng được mua bán rất sôi động trên sàn chứng khoán.
Mặt bằng giá tăng mạnh
Đáng kể như cổ phiếu của Công ty Licogi 14 (L14) tăng sốc từ đầu tháng 10 đến nay. Mã chứng khoán đạt đỉnh 240.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 2/11, tức tăng giá 167% chỉ sau một tháng giao dịch; tuy nhiên hiện nay đã bị điều chỉnh về mức 195.500 đồng.
Hay như mã VEF của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam cũng bất ngờ tăng lên mức đỉnh lịch sử 258.900 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi chỉ sau một tháng. Công ty này đang có kế hoạch xây dựng nhiều bất động sản quy mô lớn tại Hà Nội.
Tương tự, HDC của Công ty bất động sản Hodeco tăng vọt lên đỉnh lịch sử 107.700 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng, cao hơn 40% so với tháng trước và gấp 3,6 lần so với thời điểm hồi đầu năm.
Một số mã bất động sản khác cũng ghi nhận mức tăng đột biến, đẩy mặt bằng giá cổ phiếu nhóm này lên mức cao mới, gấp nhiều lần tính từ đầu năm. Thị giá của Licogi18 (L18) gấp 7,2 lần từ đầu năm; Cotana (CSC) gấp 5,8 lần; Đạt Phương (DPG) gấp 3,9 lần; DIC Corp (DIG) tăng 2,6 lần hay SSH của Sunshine Homes gấp 3,8 lần kể từ lúc chào sàn…
Một số nhóm cổ phiếu khác cũng gây chú ý lớn như hệ sinh thái Louis Holdings liên tục tăng mạnh trong khoảng tháng 9 và trở thành tâm điểm của thị trường. Tuy nhiên, các cổ phiếu như BII, TGG, VKC, SMT, AGM… đã giảm sâu so với vùng đỉnh khiến nhà đầu tư mua đuổi ôm lỗ lớn.
Gần đây các cổ phiếu thuộc nhóm Apec cũng đang thu hút dòng tiền khi liên tục bứt phá về thị giá, nhất là giai đoạn từ tháng 9 đến nay với mức tăng 2-3 lần. Còn tính từ đầu năm, các mã IDJ, API và APS ghi nhận mức tăng khoảng 5-10 lần.
Một số cổ phiếu riêng lẻ khác cũng ghi nhận mức tăng rất nóng trong giai đoạn vừa qua. Đơn cử như cổ phiếu ngành nhựa của Công ty Sản xuất và Thương mại HCD (HCD) tăng gấp 5 lần so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu CIG của Công ty cơ khí xây dựng Coma18 cao gấp 5,8 lần.
Sự tăng giá nóng còn đến từ nhiều nhóm ngành khác với các đại diện tiêu biểu như VNDirect trong lĩnh vực chứng khoán, Đông Hải Bến Tre (DHC) trong ngành giấy, Hóa chất Đức Giang (DGC), Gỗ MDF VRG Quảng Trị…
Mua bán “chui” ngày một tăng
Các cổ phiếu tăng nóng trên thị trường thường gắn liền với các câu chuyện cụ thể, trong đó phần lớn là việc huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng. Việc thị giá tăng hấp dẫn có thể giúp việc huy động vốn của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, đi kèm với sự bùng nổ thì các sai phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cũng tăng lên đáng kể, trên các diễn đàn cũng xuất hiện không ít các nội dung về nghi vấn về thao túng cổ phiếu.
Tần suất vi phạm của bên tham gia thị trường đang ngày một dày đặc hơn. Thống kê của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho thấy mỗi ngày cơ quan này có đến 5-6 công văn xử phạt trong khi các năm trước chỉ hạn chế ở 1-2 công văn mỗi ngày.
Các lỗi vi phạm gần đây chủ yếu đến từ việc mua bán “chui” cổ phiếu của các nhà đầu tư và một số vi phạm về công bố thông tin của doanh nghiệp. Điển hình ngày 5/11 có 5 công văn về xử phạt thì có 3 văn bản xử phạt giao dịch của các cá nhân.
Thậm chí thời gian qua còn xuất hiện tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp hô hào giá cổ phiếu trên mạng xã hội. Điển hình nhất là trường hợp lãnh đạo Louis Holdings liên tục chia sẻ về việc thâu tóm doanh nghiệp và lập cả nhóm riêng để cập nhật thông tin. Tuy nhiên, sau đó nhóm cổ phiếu nhóm này lao dốc khiến nhiều người ôm khoản lỗ lớn, nhóm kín cũng dần vắng nhà đầu tư.
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng gần đây chia sẻ người dân đã chuyển thêm 68.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán trong 10 tháng đầu năm. Vị lãnh đạo công ty chứng khoán đầu ngành nói thêm khi niềm tin của người dân tăng cao thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư.
Chia sẻ về chủ đề thị trường chứng khoán có đang tăng nóng hay không, một chuyên gia từ VNDirect cho rằng phải cần xem xét trên nhiều khía cạnh.
Nếu so sánh với các thị trường mới nổi khác như Pakistan (25%) hay Peru (9%) thì mức tăng của Việt Nam là không quá cao. Ngoài ra mức định giá của thị trường là rất rẻ so với các nước cùng khu vực như Singapore, Thái Lan…
Bên cạnh đó thị trường bùng nổ cũng có nền tảng tốt khi có thời gian đi ngang tích lũy trong khoảng 3 tháng. Dòng tiền luôn luôn vận động và luân chuyển giữa các nhóm ngành, mặc dù có những con "sóng" của vài nhóm ngành cụ thể song nhiều nhóm khác vẫn đang không hề nóng, do vậy chưa cần quá lo lắng.
Thực tế theo thống kê của SSI, dù VN-Index đang tăng lên đỉnh lịch sử gần 1.457 điểm, mức định giá thị trường vẫn chỉ là 17,1 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 19,1 lần hồi đầu năm hay mức đỉnh 22 lần trong năm 2018.
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc KIS Việt Nam - cho rằng thị trường đã xác lập một xu hướng tăng mới và thanh khoản sẽ còn được mở rộng thời gian tới. Về định giá với mức P/E của thị trường chỉ khoảng 17 lần, là rẻ hơn tương đối so với các nước trong khu vực ở mức khoảng trên 20 lần.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-loat-co-phieu-tang-nong-5-10-lan-post1275598.html