Hàng loạt dự án bị thu hồi giấy phép: Đã đến lúc 'siết' năng lực nhà đầu tư

Hàng loạt dự án đầu tư bất động sản khu vực miền Trung bị thu hồi do nhà đầu tư không đủ năng lực. Đã đến lúc phải 'kiểm tra đầu vào' năng lực nhà đầu tư.

Những dự án bất động sản “lùm xùm” ảnh hưởng hàng nghìn người

Giữa tháng 8/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty Cổ phần Bách Đạt An (có trụ sở tại lô A7-21-22, Khu đô thị Sentosa Riverside, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), vì đơn vị này nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền mà Bách Đạt An nợ thuế là hơn 15,53 tỷ đồng.

Công ty Bách Đạt An bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bị phong tỏa tài sản tại tỉnh Quảng Nam, nhưng vấn đề đặt ra là hệ lụy tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hàng nghìn người dân tại các dự án tranh chấp sẽ thế nào?

Công ty Bách Đạt An bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bị phong tỏa tài sản tại tỉnh Quảng Nam, nhưng vấn đề đặt ra là hệ lụy tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hàng nghìn người dân tại các dự án tranh chấp sẽ thế nào?

Trước khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Bách Đạt An là chủ đầu tư rất nhiều dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Và, dự án nào cũng…chậm tiến độ, kéo dài. Đơn vị này cũng chính là “nhân vật chính” của vụ tranh chấp kéo dài 6 năm tại các dự án bất động sản gồm 3 dự án khu đô thị Hera Complex Riverside, khu đô thị 7B (mở rộng) và khu đô thị Bách Đạt tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khi Bách Đạt An là chủ đầu tư tranh chấp với đơn vị phân phối đã kí kết, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của gần 1.000 người dân mua đất.

Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Bách Đạt An là kết quả xử lý của chính quyền tỉnh Quảng Nam trước một nhà đầu tư không đủ năng lực. Nhưng sau đó, quyền lợi của những người dân liên quan phải xử lý thế nào. Đây là vấn đề không dễ.

Với chính sách cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, bên cạnh đó, cùng với tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng trong những năm qua (tính từ trước năm 2021), tỉnh Quảng Nam đã trở thành điểm sáng thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản với nhiều dự án được kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng tỉnh. Bên cạnh những dự án đã thực hiện được cam kết đầu tư, thì có không ít dự án liên tục chậm tiến độ, ì ạch, thậm chí là tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người dân – điển hình như những dự án do Bách Đạt An làm chủ đầu tư, hay có dự án có dấu hiệu lừa đảo như dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc do Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (Công ty STO).

Dự án cho người có thu nhập thấp do Công ty STO làm chủ đầu tư có diện tích 12,64 ha, được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009, được chia làm 3 giai đoạn, dự kiến hoàn thành chậm nhất vào tháng 8/2012. Và đến nay, vẫn chưa có một căn hộ nào hoàn thành. Kết luận của thanh tra tỉnh Quảng Nam cho thấy hàng loạt vi phạm tại dự án này. Từ năm 2021 đến nay, hàng trăm người góp vốn, đặt cọc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án cũng liên tục gửi đơn kêu cứu, tố chủ đầu tư có “dấu hiệu lừa đảo”, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Hàng trăm người lao động thu nhập thấp mong muốn, chờ đợi căn hộ nhỏ để có nơi "an cư lạc nghiệp" ở dự án nhà ở của Công ty STO giờ tiếp tục "chờ đợi mỏi mòn" và chủ đầu tư thì bị điều tra

Hàng trăm người lao động thu nhập thấp mong muốn, chờ đợi căn hộ nhỏ để có nơi "an cư lạc nghiệp" ở dự án nhà ở của Công ty STO giờ tiếp tục "chờ đợi mỏi mòn" và chủ đầu tư thì bị điều tra

Hồi tháng 7/2023, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đang tiếp tục củng cố hồ sơ điều tra vụ sai phạm tại dự án; đồng thời, điều tra việc cố ý làm trái quy định pháp luật và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Trần Chiến Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty STO.

Liên tục thu hồi giấy phép dự án: Đến lúc phải “khảo hạch” năng lực nhà đầu tư

Cùng với tỉnh Quảng Nam, trong thời gian gần đây, hàng loạt dự án đầu tư bất động sản tại khu vực miền Trung đã bị chính quyền các địa phương thu hồi giấy phép do chậm tiến độ.

Tại tỉnh Bình Định, hồi tháng 6/2023, UBND tỉnh đã thu hồi 3 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại TP. Quy Nhơn, lý do cũng bởi nhà đầu tư không đủ năng lực.

Mới đây nhất hồi 21/8, UBND tỉnh Phú Yên đã hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có dự án có sử dụng đất Khu đô thị hỗn hợp DL-2 (TP.Tuy Hòa) do có gian lận trong đấu thầu.

Đặc biệt, tại TP. Đà Nẵng, hôm 25/8 vừa qua, Cục Thuế Đà Nẵng cũng đã cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn trong thời hạn 1 năm (từ 23/8/2023 - 24/8/2024) đối với Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh do nợ thuế hơn 162 tỷ đồng. Phú Gia Thịnh cũng là chủ đầu tư dính "lùm xùm" kiện tụng kéo dài liên quan đến dự án New Danang City ảnh hưởng quyền lợi hàng trăm người dân.

Điểm chung của Bách Đạt An và các dự án bị điều tra, thu hồi, cưỡng chế trên đều là nhà đầu tư không đủ năng lực. Các dự án đã triển khai thì liên tục “bánh vẽ” các dự án trên giấy nhưng thu tiền thật và làm ảnh hưởng đến quyền lợi hàng trăm, hàng nghìn người dân; những dự án chưa triển khai thì không thực hiện các nghĩa vụ liên quan khi đầu tư và có dấu hiệu “xí phần giữ đất” thay vì triển khai dự án như cam kết.

Hệ lụy chung của Bách Đạt An và các dự án của Phú Gia Thịnh hay STO chính là tranh chấp, kiện tụng kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người dân (Ảnh: Người dân đòi quyền lợi ở dự án New Danang City do Phú Gia Thịnh làm chủ đầu tư, ảnh chụp hồi năm 2022)

Hệ lụy chung của Bách Đạt An và các dự án của Phú Gia Thịnh hay STO chính là tranh chấp, kiện tụng kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người dân (Ảnh: Người dân đòi quyền lợi ở dự án New Danang City do Phú Gia Thịnh làm chủ đầu tư, ảnh chụp hồi năm 2022)

Khu vực miền Trung là “đòn gánh” nằm giữa 2 đầu đất nước, không được thiên nhiên ưu đãi, mùa nắng thì nắng quay quắt, mùa mưa thì ngập lụt. Đây cũng là vùng đất “bom đạn” của cả nước hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong chiến tranh, bởi vậy, xuất phát điểm kinh tế của các địa phương miền Trung thấp hơn nhiều so với 2 đầu Bắc- Nam.

Mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, đổi mới diện mạo hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân, trong thời gian qua, không thể phủ nhận chính quyền các địa phương miền Trung đã có những nỗ lực trong thu hút đầu tư, thể hiện qua sự cởi mở, thông thoáng trong thực hiện thủ tục hành chính, những ưu đãi riêng của mỗi địa phương để thu hút nhà đầu tư. Chính sự cởi mở đó là yếu tố quyết định tạo nên bước chuyển kinh tế đáng khích lệ của cả khu vực.

Tuy nhiên, cũng vì sự cởi mở đón nhận nhà đầu tư mà chưa chú trọng “khảo hạch” năng lực đầu vào của nhà đầu tư dẫn đến hệ quả những vụ tranh chấp, những dự án bất động sản bỏ hoang kéo dài, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, kiện tụng kéo dài dẫn đến ảnh hưởng đến an ninh trật tự, và hơn nữa là làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người dân mong muốn mua đất để “an cư lạc nghiệp”. Trong hệ quả đó, không thể bỏ qua sự “tắc trách” của chính quyền những địa phương, cơ quan liên quan trực tiếp quản lý dự án...

Đã đến lúc chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung nói riêng, cả nước nói chung phải có những biện pháp để siết chặt đầu vào, kiểm tra, đánh giá năng lực nhà đầu tư, nhất là đối với những dự án đầu tư bất động sản để tránh những hệ lụy tiêu cực kéo dài về sau.

Bình An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hang-loat-du-an-bi-thu-hoi-giay-phep-da-den-luc-siet-nang-luc-nha-dau-tu-268802.html