Hàng loạt khó khăn bủa vây hoạt động vận tải đường biển
t gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19, những căng thẳng tại Ukraine, thiếu hụt container rỗng và nhất là giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua đã khiến hoạt động vận tải biển gặp vô vàn khó khăn.
Vận tải đường biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với một quốc gia, không chỉ là cầu nối về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác như chính trị, xã hội, ngoại giao.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 116 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh minh họa.
Thống kê của Cục Hàng hải, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 116 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 16% kế hoạch năm.
Dù đạt được những kết quả khả quan nhưng thực tế thị trường vận tải biển toàn cầu đang diễn biến không thuận lợi do những căng thẳng tại Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng do đại COVID-19 và giá xăng dầu trong nước tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến các chủ hàng Việt.
Thông tin từ đại diện một đơn vị vận tải đường biển cho biết, chi phí vận chuyển một container 40 feet (FEU) từ châu Á sang Mỹ đang ở mức gần 9.800 USD, gấp hơn 7 lần chi phí cùng một đơn vị đó vào thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Nhiều khách hàng rụt rè khi đưa ra quyết định mua hàng, họ thường hỏi liệu 2 - 3 tháng nữa cước biển có giảm không thì lúc đó mới đặt hàng.
Còn theo ông Nguyễn Quang Sang - Phó Giám đốc Công ty Thương mại - Dịch vụ hàng hóa Phương Nam, khi giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp.
Trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm cơ cấu khoảng 35% giá cước. Do đó nếu không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng, doanh nghiệp đối diện lỗ nặng.
Đánh giá về những tác động từ việc xăng dầu tăng giá mạnh trong thời gian qua, ông Phạm Văn Xô - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương khẳng định, điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics.
Thời gian qua, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 chưa kịp phục hồi thì nay lại thêm vấn đề mới đó là giá cả tăng cao, gây ảnh hưởng nặng cho ngành vận tải hoạt động trong hệ thống logistics.
Tác động từ dịch bệnh COVID-19, căng thẳng tại Ukraine, thiếu hụt container rỗng, giá xăng dầu trong nước tăng cao khiến hoạt động vận tải biển gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.
Phí vận chuyển tăng tác động vào cấu thành phí logistics với một loạt phí cùng tăng như phí cầu đường, phí xăng dầu, chi phí nhân công, phí cầu cảng bến bãi.
Cùng với việc thiếu hụt container trống khá trầm trọng và giá xăng dầu tăng lên như hiện nay, đi bằng đường bộ càng làm phát sinh phí…Những khó khăn này đang khiến các doanh nghiệp lo lắng, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương bày tỏ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện một số nước đồng loạt áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thương. Nhiều cảng biển nước ngoài, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ đang chứng kiến tình trạng hàng triệu container bị ùn tắc.
Một số cảng biển áp dụng biện pháp chống dịch dẫn đến thời gian quay vòng tàu kéo dài hơn. Nhu cầu nhập khẩu của châu Mỹ, châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc, châu Á cũng đột ngột tăng cao dẫn đến mất cân bằng container giữa hàng xuất và hàng nhập.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển sản phẩm đầu ra đều tăng lên.
Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ điều chỉnh theo giá xăng dầu nên thời gian tới có thể nguồn nguyên liệu tiếp tục tăng so với năm 2021.
Điều này càng làm cho doanh nghiệp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi các hoạt động sản xuất kinh tế sau đại dịch và cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành để cải thiện tình trạng trên.