Hàng loạt làng nghề ở huyện Thường Tín đang chuyển mình đúng hướng
Nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, huyện Thường Tín đã và đang phát huy được thế mạnh đất trăm nghề để có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt, huyện đã tạo được hướng đi riêng, qua đó tăng nguồn lực để về đích huyện NTM nâng cao sớm hơn so với kế hoạch đề ra.
![Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51453164/b0a527cb1185f8dba194.jpg)
Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái.
Những làng quê vươn mình
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, năm 2024, người dân xã Vân Tảo đã có mùa đào “bội thu” dù trước đó gặp nhiều khó khăn do mưa, bão. Anh Nguyễn Trung Dũng, xã Vân Tảo chia sẻ, gia đình anh có gần 300 gốc đào cảnh cho thuê và đào cành bán; nhờ đào được giá nên mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Vân Tảo trở thành điểm sáng của huyện Thường Tín về phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn cho biết, Vân Tảo phát triển nghề trồng hoa đào từ năm 1990 và ngày càng mở rộng diện tích. Đến nay, xã có hơn 1.200 hộ với 93ha trồng hoa đào, thu khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều gia đình còn thuê thêm gần 30ha đất nông nghiệp ở các xã: Tự Nhiên, Chương Dương để trồng đào. Không chỉ có kinh nghiệm, những người trồng đào của xã Vân Tảo còn nắm vững và áp dụng khoa học kỹ thuật: Cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, bọc nilon, sưởi điện… để đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, giúp người dân địa phương có thu nhập cao. Chính vì vậy, cây đào đang là cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác ở Vân Tảo.
“Đến nay, Vân Tảo đã có 2 thôn: Nội Thôn, Đông Thai được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống hoa - cây cảnh. Nghề trồng hoa đào tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Cây hoa đào góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc và nông thôn khởi sắc” - Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn cho biết.
Không riêng Vân Tảo, các xã của huyện Thường Tín đều có hướng đi hiệu quả. Với những xã có nghề như: Nhị Khê, Duyên Thái, Hồng Vân… tập trung phát triển nghề và dịch vụ nghề. Các xã có khu di tích, công trình văn hóa tập trung phát triển du lịch. Nhờ nhạy bén, các địa phương phát triển khá đồng đều. Đơn cử như xã Duyên Thái nổi tiếng với 2 làng nghề sơn mài Hạ Thái và làm vàng mã Phúc Am.
Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết, ngoài làng nghề vàng mã Phúc Am, Duyên Thái còn nổi danh với nghề sơn mài từ hơn 200 năm nay. Để thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề, xã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu tour "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đây cũng là tiền đề để Duyên Thái sớm hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, một trong những thành quả nổi bật của Thường Tín là xây dựng NTM. Huyện được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020; đến nay, toàn huyện có 17/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện đã hoàn thành tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024, đang chờ UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sớm hơn so với kế hoạch.
![Nghề trồng hoa đào nhiều năm qua giúp người dân xã Vân Tảo có thu nhập cao, ổn định cuộc sống](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_11_51453164/54d4c7baf1f418aa41e5.jpg)
Nghề trồng hoa đào nhiều năm qua giúp người dân xã Vân Tảo có thu nhập cao, ổn định cuộc sống
Quy hoạch, xây dựng nhiều cụm công nghiệp
Nhờ có hướng đi mới, những năm gần đây, kinh tế của Thường Tín phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2015, tổng thu ngân sách của huyện chỉ đạt 253,3 tỷ đồng thì đến năm 2024 con số này tăng lên 1.380 tỷ đồng, đạt 112% dự toán. Phát huy nguồn lực văn hóa, làng nghề, Thường Tín lựa chọn phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp văn hóa, lấy hạ tầng làm "đòn bẩy".
Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, trong 10 năm gần đây (2014 - 2024), huyện triển khai 329 dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, các dự án tu bổ, bảo tồn công trình văn hóa, lịch sử với lũy kế giải ngân đạt bình quân trên 85%. Đáng chú ý, trong năm 2024, huyện đẩy mạnh các dự án trọng điểm, trong đó có Khu công nghiệp Phụng Hiệp.
Nhờ có việc sớm quy hoạch và đầu tư xây dựng, đến nay huyện Thường Tín đã có 11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Huyện là địa phương hoàn thành sớm nhất công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...
Trên nền tảng kết quả đã đạt được, huyện Thường Tín phấn đấu trong năm nay hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ huyện đề ra. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, thời gian tới Thường Tín tiếp tục đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp: Thắng Lợi, Tiền Phong giai đoạn 2, Ninh Sở giai đoạn 2; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với những dự án được giao năm 2025, trong đó tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, dự án thuộc các xã xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...
"Về nhiệm vụ trước mắt, Thường Tín đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, sản xuất, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn; tiếp tục triển khai các dự án khu tái định cư. Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; chỉnh trang đô thị gắn với kinh tế đô thị, kinh tế xanh, NTM kiểu mẫu... góp phần cùng Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, hiệu quả hơn" - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định.