Hàng loạt lãnh đạo Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam bị bắt
Tối ngày 3-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông tin, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc VEAM; và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp.
Đây là diễn biến mới nhất khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các vi phạm pháp luật xảy ra tại VEAM.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 3-8, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra VEAM và một số đơn vị thành viên, đồng thời khởi tố bị can với 4 người trên. Cả 4 bị can bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cơ quan điều tra cũng thông tin, trong đó 3 bị can Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tạm giam; bị can Vũ Từ Công bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Các quyết định trên của cơ quan điều tra được thực hiện sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng nêu trên.
Hiện, Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, xác minh truy tìm tài sản để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới những sai phạm trên, ngày 16-5-2019, tại trụ sở VEAM, Bộ Công Thương đã công bố Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại tổng công ty này .
Theo Kết luận thanh tra của Bộ Công thương, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Bộ Công thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung kết luận thanh tra. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.
Trước đó, ngày 10-12-2018, Bộ Công thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm.