Hàng loạt 'ông lớn' xe công nghệ cam kết giảm phát thải
Giá trị thị trường xe công nghệ trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi lên 230 tỷ USD vào năm 2026.
Theo báo cáo của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C trong khoảng thời gian từ năm 1850 - 1900.
Nếu không có hành động giảm khí thải nhà kính trên quy mô lớn, nhanh chóng và ngay lập tức, dự báo ngưỡng nóng lên của Trái đất sẽ vượt qua 2 độ C ngay trong thế kỷ này.
Tại những quốc gia đã xác định rõ mục tiêu và quyết tâm giảm khí thải như Singapore, Trung Quốc, Mỹ… các ứng dụng gọi xe (dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng phát thải) cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Dịch vụ Just Grab Green mới ra mắt hồi tháng 7. Ảnh: Strait Times
Grab, Gojek hứa hẹn không phát thải vào năm 2030
Singapore - một trong những nước Đông Nam Á có chính sách và quyết tâm lớn trong giảm khí thải, đã đặt mục tiêu, cho tới năm 2030, tất cả xe đăng ký mới phải là xe năng lượng sạch.
Đồng thời, tăng gấp đôi số lượng các điểm sạc xe điện, hướng đến đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 sớm nhất trong nửa sau của thế kỷ.
Hiện tại, ở quốc đảo sư tử, xe công nghệ chỉ gây ra khoảng 4% trong tổng lượng khí thải của ngành vận tải đường bộ, theo hãng tin Channel New Asia.
Tuy nhiên, trong tương lai, nếu không thay đổi, con số trên sẽ lớn hơn vì dịch vụ đặt xe qua ứng dụng (hay còn gọi là xe công nghệ) đang ngày càng phát triển.
Báo cáo của công ty tư vấn Mordor Intelligence chỉ ra, giá trị thị trường xe công nghệ trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi lên 230 tỷ USD vào năm 2026.
Để góp phần vào mục tiêu giảm thải của Chính phủ Singapore, Grab đặt ra “Mục tiêu Giao thông bền vững”, cam kết toàn bộ phương tiện do hãng vận hành sẽ sử dụng năng lượng sạch tính đến năm 2030.
Trong đó, Grab đã đầu tư hơn 200 triệu USD để mua thêm xe điện/lai điện sử dụng trong dịch vụ cho thuê xe Grab Rentals.
Ngoài ra, hãng cũng khai trương dịch vụ JustGrab Green cho phép khách hàng đặt xe phát thải thấp qua ứng dụng. Chi phí cho một chuyến đi như vậy không khác với dịch vụ bình thường tại Singapore. Qua đó, người dùng không còn tâm lý lo ngại về giá và dễ dàng chuyển sang sử dụng xe thân thiện môi trường.
Gojek - đối thủ nặng ký của Grab tại Singapore - cũng đã công bố kế hoạch không phát thải đầu tiên từ cuối tháng 4/2021. Hãng cam kết, hoạt động vận tải sẽ không phát thải vào năm 2030, chuyển đổi toàn bộ phương tiện do Gojek vận hành hoặc hợp tác, sang xe năng lượng mới.
Tham gia sản xuất xe, hạ tầng sạc
Didi tự xây dựng hạ tầng trạm sạc
Trên thế giới, những “kỳ lân” khởi nghiệp trong dịch vụ gọi xe cũng đã và đang góp phần vào mục tiêu giảm khí thải.
Tại Trung Quốc, một trong những quốc gia đi đầu về chiến lược điện hóa phương tiện vận tải, giúp giảm khí thải nhà kính, từ năm 2017, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe Didi đã vào cuộc với tham vọng sẽ vận hành 1 triệu xe điện - đánh dấu số lượng lớn nhất trong lĩnh vực xe công nghệ.
Không dừng ở đó, Didi còn tham gia vào quá trình chế tạo xe điện dành riêng cho dịch vụ gọi xe. Hãng đã kết hợp với nhà sản xuất xe điện nội địa Trung Quốc BYD thành lập doanh nghiệp liên doanh Meihao Chuxing từ năm 2018 và cho ra đời mẫu xe đầu tiên mang tên D1 vào đầu năm nay.
Mẫu xe mới được ra mắt chỉ vài tuần sau khi Chính phủ Bắc Kinh công bố mục tiêu, đến năm 2035, một nửa lượng xe mới bán ra thị trường này phải là xe năng lượng mới. Ngoài ra, Didi cũng đang tự xây dựng hạ tầng sạc dành riêng cho xe điện.
Ở các nước phương Tây, Uber cũng cam kết, đến năm 2040, tất cả dịch vụ của hãng trên toàn cầu sẽ do phương tiện không phát thải phục vụ.
Uber đã ra mắt chương trình Green Future với các nguồn lực trị giá 800 triệu USD, khuyến khích hàng trăm nghìn tài xế chuyển đổi sang phương tiện thân thiện môi trường, tính đến năm 2025.
Trong đó, các lái xe sử dụng phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện sẽ nhận được thêm 1 USD cho mỗi chuyến Uber (tối đa 4.000 USD/năm). Chương trình này có giá trị trong khoảng thời gian giới hạn, áp dụng với thị trường Mỹ và Canada.
Hành khách sẽ ưu tiên chọn xe thân thiện môi trường
Trong tương lai, khi nhận thức về biến đổi khí hậu rõ hơn, tâm lý người dùng sẽ thay đổi. Họ sẽ ưu tiên, chú trọng vào yếu tố xe xanh/thân thiện môi trường khi lựa chọn dịch vụ gọi xe.
Một khảo sát với sự tham gia của gần 9.000 người sử dụng Grab tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, 82% người được hỏi lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu và mong muốn hành động để giảm khí thải carbon.
Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội Các nhà khoa học (Union of Concerned Scientists) ước tính, một chuyến xe công nghệ do phương tiện điện thực hiện sẽ giúp giảm khí thải carbon khoảng 68% so với một chuyến xe với hình thức tương tự, sử dụng xe chạy xăng/dầu.