Hàng loạt rào cản khiến chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước gặp khó
Những hành lang pháp lý, quy định, quy chế, cách thức kiểm soát... đã gây ra các rào cản cho doanh nghiệp Nhà nước tiến hành chuyển đổi số.
92% doanh nghiệp "mù mờ" về chuyển đổi số
Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước: Cơ hội và thách thức" ngày 26/7 tại Hà Nội, ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các địa phương, doanh nghiệp (DN).
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng cho lộ trình CĐS. Tuy nhiên, số lượng các DN đã thành công trong CĐS ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các DN mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước.
Dẫn kết quả một cuộc khảo sát, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, 92% DN đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng CĐS trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% DN kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ CĐS.
Tuy vậy, trong tiến trình CĐS, các DN Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đầu tư CĐS, thói quen kinh doanh, thiếu cam kết từ lãnh đạo và người lao động. Tình trạng thiếu nhân lực nội bộ, cơ sở hạ tầng, thông tin và công nghệ số cũng như lộ trình CĐS rõ ràng cũng cản trở tiến trình CĐS của DN.
"Tóm lại, các DN đối mặt với khó khăn về nguồn tài chính, thay đổi văn hóa tổ chức, năng lực triển khai và các giải pháp chuyển đổi", ông Tuyên nói.
Khảo sát cho thấy, 10% DN nhỏ và vừa cho rằng CĐS thành công và mang lại giá trị trọng yếu cho DN. 92% DN chưa có hiểu biết về CĐS, và 72% DN chưa biết CĐS phải bắt đầu từ đâu.
6 thách thức lớn
Phân tích sâu về những thách thức của DN Nhà nước khi CĐS, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, DN Nhà nước đối diện với 6 thách thức trong CĐS.
Thứ nhất, DN Nhà nước có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để CĐS.
"Do đó, DN không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay. Sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công", ông Giang nhấn mạnh.
Thứ hai, việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động để thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số.
Thứ ba, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn. Với đặc điểm về sự chặt chẽ trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.
Thứ tư, thay vì tạo ra một tác động tổng thể, CĐS trong các DN Nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể thay vì tổng thể.
Thứ năm, chiến lược tích hợp kinh doanh - CĐS hiện đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định. Vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức, đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho DNNN thông qua tiến trình CĐS.
Thứ sáu, tiến trình CĐS không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện DN sang bản chất kinh doanh mới – trở thành một DN số.
Ở góc độ đơn vị cung cấp giải pháp, ông Bùi Trung Thành - Giám đốc Tư vấn CĐS tại Base.vn (Tập đoàn FPT) chia sẻ, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, số lượng khách hàng của đơn vị này tăng nhanh chóng vì tất cả đều nhận ra rằng công nghệ là công cụ cần thiết, giúp DN tăng trưởng.
Tuy nhiên, khi truyền thông, DN nhắc đến CĐS quá nhiều thì gây ra tình trạng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Đây là lý do khiến người người, nhà nhà lao vào CĐS. Quá nhiều DN muốn CĐS nhưng không hiểu mình cần gì, thấy mọi người làm gì mình làm nấy.
Ông Thành thừa nhận, trong 8.000 khách hàng DN mà đơn vị này phục vụ, có 20% DN chưa thành công trong CĐS. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu đến từ lãnh đạo DN thiếu quyết liệt (30%), ban tiên phong chưa sẵn sàng (30%), khả năng cải tiến quy trình (20%). Còn lại là do DN kỳ vọng sai và năng lực truyền thông, quản trị hạn chế.
Đầu tư công nghệ phù hợp với nhu cầu
Đưa ra khuyến nghị cho DN Nhà nước, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, không có một mô hình hay phương thức CĐS cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi DN. CĐS đòi hỏi các DN phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình CĐS để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho DN của mình.
"Với cách thức và những hệ quả có thể đem lại cho DN, việc xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng theo chiến lược nền tảng sẽ cho phép DN Nhà nước có thể giải quyết được những điểm nghẽn hiện tại trong tiến trình CĐS, gia tăng hiệu quả của các dự án, hoạt động CĐS đã và đang thực hiện", ông Giang nêu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng, một phần quan trọng trong quá trình CĐS là đầu tư vào các công nghệ, giải pháp số phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của DN.
"CĐS là quá trình liên tục và không ngừng phát triển. DN cần duy trì và tiếp tục phát triển các giải pháp số, cải tiến và thích ứng với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh và công nghệ", ông Tuyên gợi ý.
Nhấn mạnh yếu tố hạ tầng kỹ thuật, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho rằng, hạ tầng kỹ thuật là điều kiện cơ bản để DN CĐS. Theo mô hình kiến trúc DN số, nhóm hạ tầng kỹ thuật là nhóm cơ bản, nền tảng nhất cho hoạt động CĐS của DN. Từ đó, tùy vào từng loại hình ngành nghề, các ứng dụng, kênh tương tác và dịch vụ sẽ thay đổi trên cơ sở hạ tầng này.
Khi triển khai CĐS, tùy thuộc vào đặc thù DN, CĐS có các xuất phát điểm khác nhau. Cần đánh giá hiện trạng cụ thể để xây dựng chiến lược và lộ trình phù hợp với DN.
"CĐS từ những yếu tố căn bản nhất. Để triển khai các ứng dụng, hệ thống cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác tối đa giá trị từ dữ liệu, cần bắt đầu từ việc xây dựng nền tảng cơ bản, nền móng nhất cho DN", chuyên gia lưu ý.