Hàng loạt trường đại học phía Nam công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm

Các Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm.

Trường ĐH Luật TP.HCM công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm đối với phương thức xét theo đề án tuyển sinh riêng của trường đối với thí sinh thuộc đối tượng 2 và đối tượng 3 như sau:

Đây là kết quả đủ điều kiện trúng tuyển. Kết quả này trở thành chính thức khi: Thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT năm 2023 hoặc các năm trước theo Quy chế tuyển sinh hiện hành; Có kết quả thẩm tra hợp lệ của chứng chỉ quốc tế (hoặc chứng chỉ do đơn vị tổ chức thi cung cấp cho trường theo đề nghị của thí sinh) hoặc kết quả đối soát bản chính học bạ THPT với các loại giấy tờ thí sinh đã cung cấp cho trường là thống nhất và hợp lệ, đồng thời thực hiện đúng quy định như sau:

Thời hạn và cách thức thí sinh thực hiện việc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT hoặc trên cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7.

Thí sinh có tên trong danh sách được xét đủ điều kiện trúng tuyển, nếu vẫn còn nguyện vọng học tại Trường ĐH Luật TP.HCM phải tiếp tục thực hiện việc đăng ký nguyện vọng đã được trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống hoặc trên cổng.

Thí sinh được trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển theo đối tượng, phương thức nào chọn đúng đối tượng, phương thức đó để đăng ký. Cụ thể: Đối tượng 1 (Mã-tên phương thức): 301 - Xét tuyển thẳng theo quy chế; Đối tượng 2 (Mã-tên phương thức): 410 - Kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ quốc tế; Đối tượng 3 (Mã-tên phương thức): 303 - Xét tuyển sớm theo đề án của trường và đặt nguyện vọng này ở thứ tự thứ nhất (chỉ khuyến nghị) để đảm bảo trúng tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM.

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm đối với các phương thức xét kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023; xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL...) kết hợp kết quả học tập THPT hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/bằng tú tài quốc tế (IB)/chứng chỉ A-level.

Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023 có 12.164 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 25.982 nguyện vọng. Trúng tuyển theo phương thức này là những thí sinh thuộc top 30% thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi. Điểm trung bình trúng tuyển năm 2023 là 849, trong đó, điểm trung bình trúng tuyển các ngành thuộc lĩnh vực Kinh tế là 835 điểm, lĩnh vực Kinh doanh là 872 điểm và lĩnh vực Luật là 815 điểm.

Thí sinh Nguyễn Lê Mỹ An (Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương) đạt 1.091 điểm đã trúng tuyển vào ngành Kinh tế học. Đây cũng là thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 (ngày 26/3). Ngành đào tạo có điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển cao nhất là Kinh doanh quốc tế với mức 894 điểm. TP.HCM và Bình Dương là địa phương có nhiều thí sinh nhất trúng tuyển theo phương thức này (Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông, THPT Trần Phú, THPT Phú Nhuận.)

Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL...) kết hợp kết quả học tập THPT hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/bằng tú tài quốc tế (IB)/chứng chỉ A-level. Năm 2023, trường nhận được 2.703 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 9.512 nguyện vọng xét tuyển. Điểm chứng chỉ quốc tế cao nhất ở phương thức này là chứng chỉ IELTS 8.5, SAT 1530. Số hồ sơ có chứng chỉ IELTS 7.0 trở lên nộp vào trường chiếm gần 30% tổng số lượng hồ sơ xét tuyển.

Để xét tuyển bằng phương thức này thí sinh cần đáp ứng một trong những điều kiện sau: Xét theo chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập THPT: Thí sinh có điểm trung bình học tập THPT từ 7,5 (thang điểm 10) và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ tương đương IELTS 5.0 trở lên.

Xét kết quả bài thi SAT hoặc ACT: Xét tuyển kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa: SAT (Scholastic Assessment Test): Thí sinh đạt điểm từ 1200/1600 trở lên; ACT (American College Testing) đạt điểm từ 27/36.

Xét theo chứng chỉ A-level hoặc bằng tú tài quốc tế (IB): Thí sinh sử dụng tổ hợp 3 môn thi (trong đó có môn Toán), mức điểm mỗi môn thi đạt từ 80/100 điểm trở lên (tương ứng điểm A); Bằng tú tài quốc tế (IB) từ 32/45 điểm trở lên.

Hội đồng tuyển sinh xét tuyển theo thứ tự ưu tiên như: Thí sinh có chứng chỉ quốc tế ACT/SAT/Bằng tú tài quốc tế (IB)/Chứng chỉ A-level được ưu tiên xét tuyển trước (lấy tối đa 20% chỉ tiêu của phương thức này).

Trường hợp thí sinh đồng điểm sẽ quy đổi ra % điểm tối đa của từng loại chứng chỉ (VD: điểm của chứng chỉ SAT là 1300 -> % điểm tối đa = (1300/1600) * 100 = 81,25%) và lấy từ trên xuống cho đến khi đạt chỉ tiêu. Đối với các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: điểm xét tuyển là tổng điểm quy đổi của Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhân hệ số 2 và cộng với điểm trung bình học bạ 3 năm THPT (6 học kỳ). Thí sinh tra cứu kết quả đủ điều kiện trúng tuyển, ngành trúng tuyển trên website của trường.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển học sinh giỏi; Xét tuyển học bạ; Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1.

Cách tính điểm xét tuyển theo phương thức xét tuyển học sinh giỏi và học bạ như sau: Điểm xét tuyển thí sinh = Điểm quy đổi các tiêu chí + Điểm ưu tiên quy đổi xét tuyển (nếu có). Mức điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực quy đổi theo thang điểm 100.

Mức điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực được quy định trong quy chế tuyển sinh đại học hiện hành của Bộ GD-ĐT và được quy đổi đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 75 trở lên (khi quy đổi về thang điểm 100) xác định theo công thức: Điểm ưu tiên quy đổi xét tuyển = [(100 – Tổng điểm đạt được)/25,00] × (Mức điểm ưu tiên đối tượng theo thang điểm 100 + Mức điểm ưu tiên khu vực thang điểm 100).

Trong đó, mức điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực theo thang điểm 100 như sau:

Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 tính như sau: Điểm xét tuyển thí sinh = Điểm thi đánh giá năng lực + Điểm ưu tiên quy đổi xét tuyển (nếu có).

Mức điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực quy đổi theo thang điểm 1.200. Mức điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực được quy định trong quy chế tuyển sinh đại học hiện hành của Bộ GD-ĐT và được quy đổi đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 900 trở lên (khi quy đổi về thang điểm 1.200) xác định theo công thức:

Điểm ưu tiên quy đổi xét tuyển = [(1.200 – Tổng điểm đạt được)/300,00] × (Mức điểm ưu tiên đối tượng theo thang điểm 1.200 + Mức điểm ưu tiên khu vực theo thang điểm 1.200).

Trong đó, mức điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực theo thang điểm 1.200 như sau:

Lê Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/diem-chuan-xet-tuyen-nam-2023-cua-cac-truong-dai-hoc-tai-tp-hcm-2157168.html