Hãng Moderna khẳng định vắc xin COVID-19 hiệu quả, an toàn với trẻ em

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna tại Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 8/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25/10, hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) dẫn dữ liệu sơ bộ của một nghiên cứu khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 do hãng này phát triển tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có độ dung nạp tốt ở trẻ em từ 6-11 tuổi.

Các dữ liệu cho thấy hai liều vắc xin của Moderna, mỗi liều 50 microgram - bằng một nửa liều tiêm dành cho người lớn, đã tạo được các kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 ở trẻ em. Các tác dụng phụ phổ biến có thể xảy ra là mệt mỏi, nhức đầu, sốt và đau chỗ tiêm. Tuy nhiên, phần lớn những tác dụng phụ này xảy ra ở mức độ nhẹ và trung bình.

Moderna cho biết hãng dự định sẽ sớm gửi dữ liệu trên tới các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu và các nước khác. Tháng 12/2020, Moderna đã được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 của hãng cho người trên 18 tuổi với liều 100 microgram.

Hiện, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét cấp phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Moderana cho nhóm tuổi vị thành niên.

Cùng ngày 25/10, công ty sản xuất dược phẩm Merck & Co của Mỹ cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu quy trình đánh giá theo thời gian thực hiệu quả của thuốc kháng virus molnupiravir đang được thử nghiệm trong điều trị COVID-19 ở người trưởng thành.

Theo cơ chế đánh giá được gọi là “rà soát sớm”, EMA sẽ đánh giá ngay khi có dữ liệu thử nghiệm, thay vì chờ phía công ty nộp đơn đăng ký chính thức khi đã tập hợp đầy đủ các thông tin cần thiết.

Nếu vắc xin là "vũ khí" chính chống COVID-19 thì thuốc molnupiravir của Merck & Co được cho là đóng vai trò "người thay đổi cuộc chơi,” bởi các nghiên cứu cho thấy loại thuốc này có thể làm giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở những người có nguy cơ mắc các biến chứng nặng nhất.

Công ty Merck & Co đang hợp tác phát triển thuốc molnupiravir với công ty công nghệ sinh học Ridgeback Biotherapeutics của Đức. Ngày 11/10 vừa qua, nhà sản xuất đã đệ đơn lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp molnupiravir tại nước này.

Một hội đồng các cố vấn cho FDA dự kiến sẽ nhóm họp trong tháng 11 để thảo luận đề xuất trên. Nếu được các cơ quan quản lý chấp thuận, molnupiravir sẽ trở thành loại thuốc ngừa COVID-19 đường uống đầu tiên và cũng là phương pháp điều trị đầu tiên dành cho các bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, trong khi các loại thuốc hiện có chủ yếu được dùng để chữa cho các ca bệnh nặng.

Mặc dù thuốc kháng virus molnupiravir vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đặt mua loại thuốc này sau khi đại diện của Merck & Co đầu tháng 10 vừa qua thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3.

Theo kết quả này, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Gamma, Delta và Mu. Hãng Merck & Co đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc molnupiravir trong năm nay và 20 triệu liệu trình trong năm sau.

Đến nay, Mỹ đã đặt mua trước 1,7 triệu liệu trình thuốc molnupiravir và dự kiến thêm 3,5 triệu liệu trình vào tháng 1/2023 với giá khoảng 700 USD/1 liệu trình. Ngoài ra, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Malaysia cũng cho biết đã đạt thỏa thuận hoặc đang đàm phán mua loại thuốc này.

Trong diễn biến khác, kênh truyền hình Channel 13 (Israel) ngày 25/10 dẫn lời quan chức y tế nước này cho biết, biến thể phụ AY4.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn 15% so với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho thấy dường như AY4.2 không có độc lực, hoặc khả năng kháng vắc xin mạnh hơn biến thể Delta.

Trước đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã họp khẩn với giới chức y tế nước này ngay trong đêm 20/10 để thảo luận biến thể phụ từ chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Chính phủ Israel thông báo sẽ tiến hành mọi biện pháp nhằm bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Ông cho biết, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách.

Trước đó cùng ngày, quan chức cấp cao Bộ Y tế Israel, Nachman Ash cho biết biến thể AY4.2 dễ lây lan hơn biến thể Delta gốc, nhưng chưa đáng lo ngại.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/266678/hang-moderna-khang-dinh-vac-xin-covid-19-hieu-qua-an-toan-voi-tre-em.html