Hàng ngàn người biểu tình ở Serbia phản đối dự án khai thác lithium
Ngày 10/8, hàng chục nghìn người đã tập trung tại trung tâm Belgrade để biểu tình yêu cầu dừng dự án khai thác lithium ở Tây Serbia vì lo ngại dự án này có thể gây ô nhiễm đất và nguồn nước ở khu vực.
Truyền thông nước này cho biết, hàng chục nghìn người biểu tình ở các con phố dẫn đến quảng trường trung tâm để biểu tình phản đối việc khai thác lithium. Các quan chức chính phủ cáo buộc các cuộc biểu tình có động cơ chính trị và được thực hiện để lật đổ Tổng thống Aleksandar Vucic và chính phủ của ông.
Trước đó, tổng thống Vucic cho biết chính quyền đã nhận được thông tin từ Nga về một cuộc đảo chính đang được lên kế hoạch ở Serbia. Tuyên bố của nhà lãnh đạo được đưa ra 1 ngày trước cuộc biểu tình diễn ra tại thủ đô của quốc gia này.
Tháng trước, Serbia đã cấp lại giấy phép cho Tập đoàn Rio Tinto để phát triển mỏ lithium lớn nhất châu Âu, sau hai năm bị dừng lại do các lo ngại được cảnh báo từ các nhóm bảo vệ môi trường.
Quyết định này đã tạo ra làn sóng phẫn nộ, dẫn tới các cuộc biểu tình trên toàn quốc tại nhiều khu vực trên khắp Serbia. Những người biểu tình đã đưa ra cho chính phủ một thời hạn để cấm việc thăm dò và khai thác lithium, thời hạn này đã hết hạn vào 10/8.
Nếu được triển khai, dự án lithium trị giá 2,4 tỷ USD có thể đáp ứng 90% nhu cầu lithium hiện tại của châu Âu và đưa tập đoàn Rio Tinto trở thành một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới.
Lithium là kim loại có giá trị, cần thiết trong sản xuất pin xe điện và thiết bị di động, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngành công nghiệp ô tô chuyển sang sản xuất xanh. Các quan chức chính phủ cho biết mỏ lithium sẽ thúc đẩy nền kinh tế Serbia nhưng các nhà môi trường cho rằng cái giá phải trả sẽ quá cao.
Vào ngày 19/7, Tổng thống Vucic, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ủy viên năng lượng EU Maros Sefcovic đã ký một thỏa thuận cho phép các nhà sản xuất từ các quốc gia thành viên EU tiếp cận các nguyên liệu thô được khai thác tại Serbia, bao gồm cả lithium.