Hàng ngàn người dân đến chiêm bái, bày tỏ lòng biết ơn trong ngày giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Ngày Chánh giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, dàn nghệ sĩ trong vở kịch lịch sử về Tả quân Lê Văn Duyệt cùng hàng ngàn người dân đã đến chiêm bái, thắp hương, bày tỏ lòng biết ơn với Đức ông.

Ngày 3-9 (mùng 1-8 năm Giáp Thìn) ngày Chánh giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra long trọng và ấm cúng tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

 Các nghi lễ trong ngày Chánh giỗ được thực hiện trang nghiêm

Các nghi lễ trong ngày Chánh giỗ được thực hiện trang nghiêm

Lễ giỗ lần thứ 192 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt do ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt tổ chức từ ngày 2 đến 4-9 (nhằm ngày 30-7, ngày 1 và 2-8 năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng ngày chánh giỗ (3-9 tức 1-8 năm Giáp Thìn), hàng ngàn người dân từ các quận huyện tại TP.HCM đã đến thắp hương, chiêm bái "vị Phúc thần linh hiển" Tả quân Lê Văn Duyệt.

 Đông đảo người dân các quận huyện và du khách đến chiêm bái, thắp hương cho Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Đông đảo người dân các quận huyện và du khách đến chiêm bái, thắp hương cho Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Chia sẻ với PV, bà Trần Thanh Huệ (quận 4, TP.HCM) cho biết hằng năm bà và các thành viên của gia đình đều đến đây chiêm bái cũng như thắp hương cho Đức thượng công Tả quân Lê văn Duyệt.

"Việc này với tôi và gia đình đã trở thành một thói quen mỗi dịp giỗ Đức ông. Đây cũng là cách những người dân như chúng tôi tưởng nhớ một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, giữ an yên và mở mang vùng đất Nam Bộ" – bà Huệ bày tỏ.

Bên cạnh đó những nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn, Tế Tiền hiền – Hậu hiền – Anh hùng liệt sĩ cũng được thực hiện trang nghiêm.

Chia sẻ với PV, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt cho biết dù năm nay thời tiết tại TP.HCM không quá thuận lợi với những cơn mưa lớn bất chợt làm cho người dân và du khách khó đến thắp hương chiêm bái Tả quân Lê Văn Duyệt nhưng lượt khách và người dân, du khách đến trong ngày chánh giỗ rất đông.

"Người dân nô nức đến thắp hương cúng cũng như chiêm bái cho Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt kết hợp với đó là trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật hát bội - tuồng Ngũ sắc châu, San Hậu 3 hồi I, II, III, Lễ Tôn Vương – Hồi chầu" – bà Hoàng Oanh cho hay.

 Đông đảo người dân đến thưởng thức nghệ thuật hát bội

Đông đảo người dân đến thưởng thức nghệ thuật hát bội

Theo bà Hoàng Oanh, dù các nghi thức lễ truyền thống vẫn được giữ nguyên nhưng được tinh gọn hơn so với năm ngoái. Bên cạnh đó lực lượng phục vụ, nhạc lễ, công tác phục vụ đón tiếp khách được chu đáo hơn và nghiêm túc.

Đặc biệt, trong ngày chánh giỗ các nghệ sĩ, diễn viên trong vở "Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử" (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn) của nhà hát kịch IDECAF cùng ban quản lý nhà hát đến chiêm bái dâng hương cho Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.

 Các nghệ sĩ trong vở kịch về Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đến dâng hương chiêm bái Đức ông

Các nghệ sĩ trong vở kịch về Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đến dâng hương chiêm bái Đức ông

 Là diễn viên đảm nhận vai Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, chia sẻ với PLO, nghệ sĩ Đình Toàn cho biết đây là một mối duyên rất lớn khi bản thân được lựa chọn từ đầu để vào vai Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Là diễn viên đảm nhận vai Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, chia sẻ với PLO, nghệ sĩ Đình Toàn cho biết đây là một mối duyên rất lớn khi bản thân được lựa chọn từ đầu để vào vai Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

"Nhiều khán giả cũng như cô chú bên lăng Lê Văn Duyệt khi đến xem vở đều nhìn nhận một việc là tôi xây dựng hình tượng rất giống Đức ông và đó thực sự là điều may mắn cũng như giúp bản thân cố gắng hơn.

Hằng năm vào dịp tết tôi và gia đình đều ghé lăng ông bà Chiểu nhưng khi đảm nhận vai diễn này thì mỗi lần đi qua lăng thì trong lòng tôi đều nói lời cảm ơn và khi có lời mời của ban quản lý đến trong ngày giỗ, tôi cùng các diễn viên đã đồng ý ngay.

Tôi đây là một dịp để bày tỏ lòng biết ơn với một bậc công thần, những nhân vật lịch sử là chất liệu để mình tạo nên một tác phẩm sân khấu cho khán giả thưởng thức. Và chắc chắn bản thân cũng rất xúc động và hãnh diện" – nghệ sĩ Đình Toàn cho hay.

 Hình ảnh trong vở Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử

Hình ảnh trong vở Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử

Trước đó, trong tối 2-9 (ngày cúng Tiên thường lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt) Nhà hát kịch DECAF đã diễn vở "Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử" tại Nhà hát Thanh Niên (quận 1).

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đây là cái duyên rất lớn và bản thân ông cũng rất vui khi có sự trùng hợp lớn như vậy

"Lòng biết ơn, đó là bài học đầu tiên và cơ bản về đạo đức của người Việt Nam chúng ta. Tôi và các diễn viên sẽ cùng làm sao đó để mỗi người Việt Nam được ít nhiều có cơ hội hun đúc ý thức đạo đức về lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam từ nghìn xưa đến nay qua các vở diễn sân khấu tại TP.HCM" – ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-ngan-nguoi-dan-den-chiem-bai-bay-to-long-biet-on-trong-ngay-gio-duc-ta-quan-le-van-duyet-post808235.html