Lễ hội Tháp Bà Ponagar tưởng nhớ bà Thiên Y Ana đã khai mạc tại TP Nha Trang, sáng 10/5.Ông Nguyễn Hải Ninh (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Khánh Hòa) đã đánh hồi trống khai hội Tháp Bà Ponagar và cùng các lãnh đạo của địa phương, trong đó có ông Nguyễn Khắc Toàn (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) dâng hương tưởng nhớ công lao của Thiên Y Ana Thánh Mẫu.
Hàng nghìn người dân khắp nơi trong cả nước đổ về dự lễ. Đây là sự kiện văn hóa tâm linh có quy mô lớn ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên của cộng đồng người Chăm, diễn ra ngày 9-12/5.
Tháp Bà Ponagar mở cửa đón du khách tham quan miễn phí. Ngoài người dân địa phương, hàng nghìn người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Lâm Đồng..., về dự lễ.
Ông Nguyễn Văn Hùng (quê Quảng Nam) cùng người thân đang chuẩn bị hoa quả, bánh trái, nến..., để dâng hương. Gia đình ông Hùng với 8 người từ Quảng Nam vào Khánh Hòa nhiều hôm trước, họ chờ khai hội Tháp Bà Ponagar để tham dự.
Từ sáng sớm, hàng nghìn người Chăm ở khắp nơi đã về làm lễ tạ ơn Thiên Y Ana Thánh Mẫu, người đã có nhiều công lao giúp dân, đem lại những điều tốt lành và hạnh phúc cho mọi người. "Gia đình tôi năm nào cũng tới Nha Trang vào dịp này dự lễ", thầy cúng người chăm, nói.
Năm nay, lễ hội có các hoạt động, như: Lễ thay y Mẫu; lễ cầu quốc thái dân an; lễ thí thực; lễ cúng giờ Tý; lễ tế cổ truyền cùng các hoạt động dâng hương lễ mẫu, múa dâng mẫu của các đoàn hành hương.Người Chăm mang đầy đủ lễ tế như trái cây, gà, bánh... đến để dâng lên người mẹ xứ sở Thiên Y Ana Thánh Mẫu.
Trong khi chờ tới lượt làm lễ, những phụ nữ Chăm chuẩn bị trầu cau, trái cây, rượu...
Người Chăm thực hiện nghi lễ tại di tích cầu mong những điều tốt đẹp.
Ông Lộ Phú Bảo, lộ nụ cười vui tươi sau khi thực hiện nghi lễ. Ông Bảo là người Chăm, quê ở thị trấn Phước Dân, tỉnh Ninh Thuận. Mỗi năm, ông đều ra Nha Trang hành lễ. "Mình còn sức khỏe để dự lễ là điều hành phúc", ông Bảo thổ lộ.
Trong khi đó, anh Đàng Xuân Kỷ (30 tuổi, chức sắc Kadhar - kiêm nghệ nhân Chăm ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đang thổi kèn Saranai trong tháp bà Ponagar, đã thu hút người tham quan.Anh Kỷ chơi nhạc cụ này được 10 năm, đây là nhạc cụ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm, nên khi ra dự lễ anh đã thổi tại tháp bà.
Bên cạnh đó, nhiều người nghiêm túc, thể hiện thể hiện tấm lòng thành kính với người mẹ xứ sở.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, những ngày qua có hàng chục nghìn người tới Tháp Bà Ponagar. Còn dự kiến lễ hội năm nay có khoảng 100 đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa, các địa phương trong và ngoài nước tham gia.Dưới vương triều Panduranga, người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara, để thờ nữ thần Ponagar là mẹ xứ sở của người Chăm, tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII.Năm 1979, di tích Tháp Bà Ponagar được xếp hạng là di tích quốc gia. Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Xuân Ngọc