Hàng nghìn du khách dự Lễ hội truyền thống Tràng An, Ninh Bình
Ngày 15/4 (19/3 Âm lịch), UBND huyện Hoa Lư phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao, Sở Du lịch Ninh...tổ chức Lễ hội truyền thống Tràng An (Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương) tại Đền Suối Tiên, thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An, tỉnh Ninh Bình.
Tại Lễ khai mạc, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã đánh trống khai hội và cùng các đại biểu, khách thập phương tham gia nghi lễ rước nước, rước kiệu và rồng trên sông.
Lễ hội Tràng An năm 2017 thu hút rất đông du khách. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN
Nghi lễ giỗ Thánh Quý Minh Đại Vương nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương - một vị tướng trấn ải Sơn Nam, thời vua Hùng Vương thứ 18. Ông là người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ và bảo vệ dân tộc và là vị tướng được phong thánh trong dân gian, giúp phù trợ người dân có mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Tràng An 2017 diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc trưng của 11 tỉnh, thành phố là các làn điệu dân ca được công nhận là di sản phi vật thể như quan họ Bắc Ninh, hát xoan (Phú Thọ); nhã nhạc cung đình Huế... Tại đây, du khách được thưởng thức các đặc sản vùng miền được bày trí đẹp mắt thể hiện nét đẹp văn hóa của bản địa. Bên cạnh đó, bối cảnh của bộ phim Hollywoo “Kong: Skull Island” được tái hiện trong Khu Du lịch sinh thái Tràng An và mở cửa miễn phí cho du khách thăm quan.
Phát biểu tại Lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, Lễ hội Tràng An được người dân địa phương tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân và tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.
Lễ hội truyền thống Tràng An năm nay được tổ chức phong phú, đặc sắc mang đặc trưng riêng của vùng đất Cố Đô Hoa Lư với các phong tục độc đáo như rước thuyền, rước kiệu, múa rồng trên sông. Bên cạnh đó, tại Lễ hội diễn ra một số hoạt động văn hóa văn nghệ, giao lưu văn hóa với các tỉnh miền núi phía Bắc, chắc chắn sẽ thu hút đông đảo nhân dân và du khách hành hương về trẩy hội.
Với những nghi lễ truyền thống trang nghiêm và các hoạt động đặc sắc của lễ hội, sẽ góp phần làm phong phú thêm những hoạt động thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2017, quảng bá du lịch, đồng thời sẽ để lại trong tâm thức người dân và du khách trong nước, quốc tế những hình ảnh đẹp, những tình cảm sâu đậm về mảnh đất, con người Tràng An.
Lễ hội truyền thống Tràng An được tổ chức đến hết ngày 16/4.