Hàng nghìn giáo viên Hà Nội thấp thỏm chờ tiền thưởng

Hàng nghìn GV các trường thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục của Hà Nội chưa nhận được tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP...

Giờ hoạt động của trẻ Trường Mầm non Nam Sài Gòn (TPHCM). Ảnh: MA

Giờ hoạt động của trẻ Trường Mầm non Nam Sài Gòn (TPHCM). Ảnh: MA

Trong khi nhiều đồng nghiệp đã nhận được tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ từ trước Tết Nguyên đán, thì đến nay, hàng nghìn giáo viên các trường thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục của Hà Nội chưa nhận được khoản này.

Nửa mừng, nửa tủi

Năm học 2024 - 2025, Hà Nội có 378 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thực hiện thí điểm đặt hàng theo giá dịch vụ giáo dục. Do vậy, số lượng giáo viên chưa được nhận tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Nghị định 73) lên đến hàng nghìn người.

Không những chịu thiệt thòi về tiền thưởng theo Nghị định 73, các giáo viên còn tiếp tục chỉ ra bất cập từ Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội (Nghị quyết 46) khiến họ mất đi nguồn thu nhập đáng kể so với các đồng nghiệp.

Nghị quyết 46 quy định chi thu nhập tăng thêm giáo viên, thể hiện sự quan tâm của TP Hà Nội trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo cho rằng, Nghị quyết còn giới hạn đối tượng giáo viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ không được hưởng thu nhập tăng thêm.

Nghị quyết 46 là chính sách quan trọng nhằm động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên Thủ đô nhưng thầy Phan Văn Tiến - Trường THPT Hoài Đức A (Hoài Đức, Hà Nội) nhận thấy, không phải tất cả nhà giáo được hưởng chế độ này, trong khi công việc dạy học đòi hỏi tâm huyết, trách nhiệm và áp lực ngang nhau.

“Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố xem xét mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng chính sách, đảm bảo sự công bằng hơn trong chế độ đãi ngộ, giúp tất cả giáo viên có thêm động lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, thầy Tiến bộc bạch.

Theo tính toán của thầy Nguyễn Văn Đường - Trường THPT Phú Xuyên A (Phú Xuyên, Hà Nội) con số này lên đến hơn 50 triệu đồng mỗi năm đối với giáo viên mới vào nghề (hệ số 2,34) và hơn 141 triệu đồng với giáo viên có hệ số lương 6,3. Đây là số tiền đáng kể, tạo ra bất công về thu nhập đối với giáo viên cùng trên địa bàn thành phố.

Ngoài lương, phụ cấp, các trường tự chủ một phần hoặc hoàn toàn trong 378 trường thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục, sẽ có thêm một khoản gọi là tăng thu nhập, cô Quách Thị Thu Hằng - Trường THPT Ba Vì (Ba Vì, Hà Nội) cho hay, số tiền này được lấy từ quỹ bình ổn thu nhập theo hướng dẫn tại Điều 14, Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, cuối năm nay, nhiều trường không có khoản tiền này. Các trường còn lại thì dao động trong khoảng 2 - 10 triệu đồng cho cả năm, tính ra chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.

 Giờ học của thầy - trò Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Giờ học của thầy - trò Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Nút thắt ở đâu, tháo gỡ ở đó

Cùng là giáo viên của Hà Nội nhưng mức đãi ngộ lại khác nhau khiến nhiều thầy cô tâm tư. “Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố xem xét mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng chính sách, đảm bảo sự công bằng hơn trong chế độ đãi ngộ, giúp tất cả giáo viên có thêm động lực cống hiến”, cô Hằng đề xuất.

Theo kiến nghị của giáo viên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần tháo gỡ tổng thể từ Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND, không dừng lại ở giải quyết vụ việc theo năm. Giáo viên thuộc các trường thực hiện thí điểm sẽ bình đẳng như giáo viên các trường khác trong thực hiện Nghị định 73/2024/NĐ-CP, không dừng ở giải quyết tiền thưởng cuối năm.

Lần đầu tiên giáo viên cả nước có tiền thưởng cuối năm. Hòa chung niềm vui này, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho rằng, các địa phương cần có giải pháp tháo gỡ để giáo viên trong các trường công lập thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục được thụ hưởng chính sách Nghị định 73.

Việc này, thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, giám đốc sở GD&ĐT có thể làm văn bản đề xuất chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để có cơ chế chi trả. Từ đề xuất này, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể ban hành văn bản để có cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ tiền thưởng cho giáo viên theo quy định tại Nghị định số 73.

Nghị định số 73 được đội ngũ giáo giới cả nước hân hoan đón nhận. Trước Tết Nguyên đán năm 2025, các địa phương đã chi trả tiền thưởng cho giáo viên theo Nghị định này. Bà Tăng Thị Ngọc Mai - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, khẳng định, đây là món quà khích lệ, động viên tinh thần cho thầy, cô giáo, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều thầy, cô giáo đang công tác tại các trường thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được thụ hưởng chính sách của Nghị định 73. Thực trạng này vô hình trung, tạo ra khoảng cách và “phân biệt đối xử” giữa trường công lập với trường thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục.

“Hà Nội cần nghiên cứu, xem xét lại vấn đề này để bảo đảm công bằng cho đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho nhà giáo. Qua đó, thể hiện tính nhân văn của Nghị định 73. Có như vậy, chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống”, bà Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh.

Gợi mở một số giải pháp, bà Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh, “nút thắt” ở đâu thì tháo gỡ ở đó. Muốn vậy, cần nghiên cứu, xem xét lại Nghị quyết 46 của HĐND TP Hà Nội, làm sao để có cơ chế chi trả chế độ cho những giáo viên nêu trên, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các nhà giáo. “Các cơ sở giáo dục cần xây dựng dự toán, chủ động dự trù kinh phí cho năm sau để có thể đối ứng khi cần, tránh những thiệt thòi không đáng có cho giáo viên”, bà Tăng Thị Ngọc Mai trao đổi.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Cân đối để đảm bảo chế độ cho giáo viên

TPHCM hiện có Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn, Trường Mầm non Nam Sài Gòn đều thuộc Quận 7 và Trường THPT Quốc tế Việt Úc thuộc quận Phú Nhuận áp dụng mô hình tự chủ hoàn toàn. Thầy Trần Nghĩa Nhân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn cho hay, toàn trường có hơn 3.000 học sinh, với hơn 200 nhân sự. Những năm qua, trường tự chủ hoàn toàn, bao gồm cả tự chủ chi thường xuyên, nguồn thu chủ yếu từ học phí và các hoạt động hỗ trợ để đảm bảo chi phí dạy học, hoạt động của nhà trường.

Mặc dù tự chủ hoàn toàn nhưng chủ trương của Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn là: Giáo viên các trường công lập trên địa bàn được hưởng những chính sách nào, giáo viên của trường sẽ được thụ hưởng như vậy. Do đó, nhà trường luôn cân đối để đảm bảo mọi chế độ cho đội ngũ thầy, cô.

Năm 2024, việc khen thưởng cuối năm cho giáo viên, người lao động của trường áp dụng theo Quy chế chi tiêu nội bộ của trường, giáo viên được hưởng khoản hỗ trợ tương đương với Nghị định 73. “Sang năm 2025, từ kinh phí hoạt động chi tiêu nội bộ, trường sẽ tách ra để đảm bảo việc chi hoặc khen thưởng cuối năm cho giáo viên, đúng theo tinh thần của Nghị định 73 quy định”, thầy Nhân cho hay.

Tương tự, Trường Mầm non Nam Sài Gòn đã “gói ghém” và chi hỗ trợ theo Nghị định 73 cho giáo viên trước Tết Nguyên đán. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Xuân Thương cho biết, trường có 61 cán bộ, giáo viên, nhân viên, với hơn 300 trẻ. Nhà trường cân đối từ nguồn thu của đơn vị, trích khoảng 10% trên tổng số lương của toàn đơn vị để chi tiền thưởng theo Nghị định 73. Theo đó, giáo viên của trường được hưởng khoản tiền thưởng như giáo viên những trường công lập khác.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo tại TPHCM đã hoàn thành chi theo Nghị định 73 trước Tết Nguyên đán. Ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, sở GD&ĐT cho hay, trường nào cũng lên dự toán hoạt động ngay từ đầu năm, trong đó có khoản chi khen thưởng dành cho người lao động. Đây là hình thức khen thưởng mà Nghị định 73 mới ban hành quy định.

“Theo đó, các trường làm việc này thường xuyên, hằng năm, để đảm bảo đúng tinh thần: Giáo viên trường công lập có gì, trường tự chủ hoàn toàn phải có như vậy”, ông Trần Khắc Huy nhấn mạnh.

Ngày 24/1, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của sở GD&ĐT, sở Tài chính về việc hỗ trợ tiền thưởng cho giáo viên theo quy định tại Nghị định số 73. Theo đó, thầy, cô giáo đang công tác tại các trường thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục trên địa bàn thành phố được bảo đảm quyền lợi theo quy định tại Nghị định này. Dự kiến, thầy, cô giáo sẽ được nhận thưởng sau khi HĐND thành phố họp và thông qua nghị quyết.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hang-nghin-giao-vien-ha-noi-thap-thom-cho-tien-thuong-post719312.html