Hàng nghìn hạt xá lợi bí ẩn đang sinh sôi trong ngôi cổ tự thiêng giữa Thủ đô
Ở Việt Nam có một ngôi cổ tự đang lưu giữ hàng trăm, hàng nghìn viên xá lợi của đức Phật. Đó là cổ tự Viên Đình, hay còn tên gọi khác là Tổ Đình Vĩnh Long, ở thôn Kẹo, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Xá lợi – Bí ẩn chưa được giải mã
Xá lợi là gì đến nay vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Xá lợi không phải sắt, cũng chẳng phải kim cương nhưng đập không vỡ, lửa thiêu không cháy, thả vào nước không tan. Chúng muôn hình vạn trạng, màu sắc còn long lanh, đẹp hơn cả ngọc. Đặc biệt ở chỗ, xá lợi có thể tự sinh sôi, cũng có thể tự biến mất đi nếu người cất giữ, nơi cất giữ không đủ phước duyên, không đủ tâm, không đủ đức.
Xá lợi theo phiên âm tiếng Phạn Sarira, nghĩa đen là “những hạt cứng”. Xá lợi không phải là vật gì xa lạ đối với chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng đủ duyên lành được chiêm ngưỡng xá lợi Phật.
Xá lợi có những hình dạng như những viên ngọc trai hay đá quý nhiều màu sắc, long lanh như ngọc, rắn như kim cương, búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy, thu được sau lễ trà tỳ (hỏa thiêu) của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, của các bậc Thánh đệ tử và các vị đại sư. Đây là sự kết tinh kỳ diệu của sự thành đạt tâm linh, của sự phát triển tột cùng của hạnh từ bi và trí tuệ.
Xá lợi có thể tự sinh sôi nhưng cũng có thể tự biến mất. Xá lợi thường có các màu trắng, đỏ, hồng, xanh, vàng, hoặc trong suốt như thủy tinh và có thể tự chuyển hóa màu sắc tùy thuộc vào công năng tu hành.
Về sự hình thành những viên xá lợi cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau. Các nhà xã hội học cho rằng do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, quá trình tiêu hóa và hấp thu rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate. Những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lợi.
Tuy nhiên giả thuyết này không đủ sức thuyết phục. Vì số người ăn chay trên thế giới nhiều vô kể nhưng không phải ai khi hỏa táng cũng sinh xá lợi. Số người theo đạo Phật cũng nhiều vô kể, nhưng tín đồ bình thường đó khi hỏa thiêu cũng không thu được xá lợi.
Một số nhà khoa học lại cho rằng, có thể xá lợi là một hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật… Nhưng giả thuyết này cũng không thuyết phục vì sau khi đưa xác đi thiêu, trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh trên không phát hiện xá lợi. Mặt khác những cao tăng có xá lợi thường sinh thời rất khỏe mạnh, tuổi thọ cũng rất cao.
Thế nên hiện giờ nhiều người nghiêng về quan điểm cho rằng xá lợi là kết quả của quá trình tu hành khổ luyện, tu dưỡng đạo đức. Vì thế nên xá lợi chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện.
Ngôi chùa cổ lưu giữ nhiều xá lợi Phật nhất Việt Nam
Chùa Viên Đình được xây dựng từ năm 1831. Đến nay, chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ và những di tích lịch sử từ thời đại nhà Lý. Hiếm có ngôi chùa nào có khuôn viên đẹp như chùa cổ Viên Đình. Không gian chùa tĩnh lặng, trầm mặc, mọi cảnh vật đều gợi cảm giác thanh bình chốn tu thiền.
Viên Đình cổ tự đã trải qua 14 đời tổ. Sau khi đời tổ thứ 14 của Hòa thượng Thích Thanh Tùng khép lại, chùa không có trụ trì. Mãi mấy năm sau, năm 2002, thầy Thích Chơn Phương mới được mời về làm trụ trì của chùa. Kể từ đây, chùa Viên Đình có một bước ngoặt lớn. Đó là nơi lưu giữ nhiều xá lợi Phật nhất Việt Nam.
Dẫn chúng tôi đến tham quan nơi trưng bày xá lợi Phật, thầy trụ trì, Đại Đức Thích Chơn Phương cho biết: “Mối lương duyên với những báu thân của đức Phật bắt đầu từ lần hành hương thăm đất Phật Ấn Độ đầu tiên vào năm 2003.
Trong lần đi ấy, tôi đã có duyên kỳ ngộ với Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới, trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Ấn Độ. Sau khi nghe tôi kể tường tận về nguồn cội của cổ tự Viên Đình, Hòa Thượng Thích Huyền Diệu đã phát tâm bồ đề cung tiến một viên xá lợi Xương của đức Thích Ca Mâu Ni. Đây là một trong những viên xá lợi hiếm hoi được thỉnh từ Nepal, từ chính 8.400 báu thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi ngài hóa diệt”.
Kể từ sau mối lương duyên đặc biệt ấy, Đại Đức Thích Chơn Phương có nhiều dịp đến nhiều quốc gia trên thế giới để trao đổi Phật học. Và cũng lạ kỳ thay, rất nhiều nước đã ngỏ ý cung tiến xá lợi cho chùa Viên Đình.
Đại đức Thích Chơn Phương kể: “Cho đến nay, chùa Viên Đình đã được 8 quốc gia trên thế giới cúng dường xá lợi như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Srylanka. Tất cả những lần ấy đều do các nước tự phát tâm cũng dường chứ tôi không hề mở ý”.
Một dịp khác khi Đại Đức Thích Chơn Phương vào Tp. Hồ Chí Minh tham dự một pháp hội thì có phước duyên gặp công chúa Thái Lan. Tại đây, công chúa đã cúng dường y pháp và sau đó chính công chúa cùng đoàn tùy tùng thỉnh xá lợi từ Thái Lan mang về tận chùa Viên Đình để cúng dường. Cùng với xá lợi, công chúa còn cung tiến cả một pho tượng phật ngọc dát vàng.
Cổ tự thiêng, nơi đức Phật chọn hiện thân
Khi thầy trụ trì Thích Chơn Phương vừa mở cánh cửa, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Hơn 30 bảo tháp với hàng trăm, hàng nghìn viên xá lợi đủ sắc màu long lanh, hình dạng cũng muôn vẻ. “Đây là xá lợi xương, kia là xá lợi não, kia nữa là xá lợi máu…”, thầy Thích Chơn Phương ân cần chỉ cho chúng tôi.
Thầy bảo: “Ai có phước duyên đến đất Phật, đến chùa nếu có thành ý, tôi đều mở cửa để cho mọi người tham quan. Ai được ngắm xá lợi Phật, nhất là được làm lễ quán đỉnh thì đó là một đời phước được tu từ kiếp trước đến bây giờ được hưởng. Vì được nhìn thấy xá lợi Phật là coi như đã được gặp Phật, sẽ được Đức Phật che chở và bảo vệ”.
Cũng theo thầy trụ trì, xá lợi có thể sinh nở, nhưng cũng có thể tự biến mất đi nếu người cất giữ không tu hành miên mật, vi phạm những điều răn dạy của đức Phật. “May mắn là hầu như năm nào chùa Viên Đình cũng được đón xá lợi Phật.
Lần gần đây nhất là vào 9/1 Âm lịch năm nay, chùa được đón xá lợi xương của Đức Phật do hòa thượng Thích Quang Hiển, Ủy viên Hội đồng trị sự, Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao tặng. Đây là lần nghinh đón xá lợi lần thứ 18 của chùa”, thầy trụ trì nói.
Nói rồi, thầy trụ trì cho chúng tôi làm lễ quán đỉnh Xương của đức Phật bằng cách đội bảo tháp đựng xá lợi trên đầu. Viên xá lợi Xương mới được cung tiến có hình tròn, màu xám, bề mặt rất nhẵn, tròn và nhỏ như hạt đậu Hà Lan.
Trong số những xá lợi ở chùa Viên Đình, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một loại xá lợi. Đó là xá lợi máu của đức Phật. Xá lợi máu là loại xá lợi được hình thành từ máu của đức Phật sau khi làm lễ trà tỳ.
Xá lợi máu có màu đỏ tươi như máu, hạt rất nhỏ, nhỏ như hạt cát. Đại đức Thích Chơn Phương cho biết, chỉ có đức Phật sau khi hỏa thiêu mới có xá lợi máu, còn những người khác như các vị cao tăng thì không có.
Và phải chăng do đất chùa Viên Đình là vùng đất thiêng an lành, người dân thôn Kẹo hiền lành, chất phác, quen giúp người, do thầy trụ trì Thích Chơn Phương ngày đêm hành trì, tu hành miên mật nên đã có phước duyên được đức Phật chọn làm nơi hiện thân bằng cách ban tặng thật nhiều ngọc xá lợi?
Và những hạt ngọc xá lợi này không bay đi đến nơi khác nữa mà tụ lại, sinh sôi nảy nở, màu sắc cũng càng thêm lấp lánh, phát hào quang rực rỡ. Xá lợi máu của đức Phật ở Viên Đình cổ tự cũng tự sinh sôi nhân lên nhiều lần so với lúc mới được cúng dường.