Hàng nghìn người đến lễ hội chùa Ông
Lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) với nhiều nghi lễ mang bản sắc đặc trưng kể về lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Ngày 7/2 (mùng 10 tháng giêng), Lễ hội chùa Ông ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) lần thứ 10 năm 2025 đã được khai mạc.
![Lễ nghinh thần xuất du đi qua các tuyến phố là một phần trong Lễ hội chùa Ông.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51429233/2fe29984a3ca4a9413db.jpg)
Lễ nghinh thần xuất du đi qua các tuyến phố là một phần trong Lễ hội chùa Ông.
Lễ hội chùa Ông năm nay diễn ra trong 6 ngày từ ngày 5 đến 10/2 (từ mùng 8 đến 13 tháng Giêng), với nhiều nghi lễ như Lễ nghinh thần xuất du, lễ vía Đức Ông Quan thánh Đế quân, thả phúc khí cầu, thả hoa đăng trên sông Đồng Nai.
Bên cạnh đó, lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật, tuồng, giao lưu thư pháp Việt - Hoa, hoạt cảnh sân khấu.
![Đoàn diễu hành trong lễ hội với các hoạt động múa hát.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51429233/8448332e0960e03eb971.jpg)
Đoàn diễu hành trong lễ hội với các hoạt động múa hát.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng phát động cuộc thi sáng tạo ảnh đẹp, clip về thành phố Biên Hòa với điểm nhấn là những khoảnh khắc sinh động về thiên nhiên, công trình kiến trúc, các sản phẩm làng nghề, danh lam thắng cảnh, lễ hội đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
Sáng cùng ngày, hàng nghìn người dân đại diện các các chùa, đình các Hội quán người Hoa đã tham gia Lễ nghinh thần xuất du bằng đường bộ qua nhiều tuyến đường dài khoảng 8 km ở TP Biên Hòa và quanh chợ Biên Hòa.
![Phụ nữ trong trang phục truyền thống tại lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51429233/fff64b9071de9880c1cf.jpg)
Phụ nữ trong trang phục truyền thống tại lễ hội.
Chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) tại Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) được kiến tạo vào năm 1684, tiếp giáp với sông Đồng Nai. Đây là ngôi chùa có niên đại sớm ở Nam bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
![Đoàn bộ hành đại diện của miếu Phụng sơn tự.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51429233/8b553e33047ded23b46c.jpg)
Đoàn bộ hành đại diện của miếu Phụng sơn tự.
Là ngôi chùa cổ kính linh thiêng ở vùng đất Nam bộ, chùa Ông được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001.
Ở tỉnh Đồng Nai, có nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ Quan Công nhưng lâu đời và quy mô nhất là ở chùa Ông cù lao Phố. Lễ hội chùa Ông (còn gọi là lễ cúng Quan Thánh Đế Quân) được xem là lễ hội Quan Thánh Đế quy mô nhất ở vùng này. Tại đây, hàng năm có nhiều ngày lễ, lễ chính từ mùng 9-13 tháng Giêng Âm lịch được xem là lễ hội mang nhiều giá trị văn hóa nhất.
![Hóa trang thành các vị thần trong lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_20_51429233/52679801a24f4b11125e.jpg)
Hóa trang thành các vị thần trong lễ hội.
Lễ hội chùa Ông cù lao Phố được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2023.
Lễ hội chùa Ông là biểu hiện của bản sắc đẹp trong văn hóa Việt Nam, nhất là ở Nam bộ vì được tích hợp văn hóa đa nguồn, chung sống an lành trong tín ngưỡng đa hệ. Lễ hội diễn ra đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của cộng đồng Hoa – Việt và thể hiện sự quan tâm của chính quyền trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hang-nghin-nguoi-den-le-hoi-chua-ong-post1715149.tpo