Hàng nghìn tấn củ đậu nguy cơ đổ bỏ vì ế ẩm
Những ngày qua, hàng nghìn tấn củ đậu (sắn nước) của nông dân xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi ế ẩm vì không có người thu mua. Nhiều hộ dân phải đổ củ đậu cho heo, bò ăn, thậm chí đào hố chôn để lấy đất làm vụ mùa mới.
Ông Nguyễn Sáu ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng trồng 8 sào củ đậu. Sau gần 4 tháng chăm sóc, ông thu hoạch 16 tấn củ to, đều hơn mọi năm. Thế nhưng, những ngày qua không có thương lái thu mua, củ đậu dồn ứ trong vườn dần nứt nẻ, hư hỏng. Cố gắng liên lạc, tìm kiếm các mối thương lái, bạn hàng lâu năm để tiêu thụ nhưng ông cũng đành chịu.
Đổ bỏ củ đậu vì không bán được
Không còn cách nào khác, vợ chồng ông đành đào hố chôn bớt củ đậu để dọn dẹp vườn trồng rau màu. Sau khi đào hố sâu 2m, ông đổ gần 2 tấn củ đậu xuống đất và lấp lại. Tốn công thu hoạch hơn một tuần, nay ông lại tốn công đào hố chôn hàng tấn nông sản mà mình bỏ công sức, chi phí lo vụ mùa. “Mỗi hố 2 tấn củ, bỏ xuống hố tôi dùng cuốc đập nát củ để không nẩy mầm, mọc cây mới. Bán không được thì chôn dần để dọn vườn cho vụ đậu sắp tới”, ông Sáu buồn bã.
Hơn 8 sào củ đậu của chị Nguyễn Thị Giảnh ở xã Đức Thắng đã quá thời gian thu hoạch hơn một tháng. Quá lứa, hàng tấn củ đậu xơ cứng, nứt hỏng hàng loạt. Không thể kéo dài, chị Giảnh đành nhờ người thân nhổ củ đậu, tập kết 16 tấn trong vườn nhà. Tìm mọi cách tiêu thụ, chị bỏ tiền thuê xe chở 3 tấn củ đậu lên điểm tập kết ở huyện để thương lái thu gom với giá 1.000-2.000 đồng mỗi ký. Chỉ bán rẻ được vài tấn củ đậu, số ít chị cho heo, bò ăn thay cỏ, còn lại hơn 10 tấn chị chưa biết tính sao.
“Để dưới đất củ cũng hư, nứt, xơ không ăn được. Nhổ lên thì không biết bán cho ai. Mọi năm thương lái xuống tận vườn thu mua, vận chuyển đi các tỉnh. Nay thì mình lại tốn thêm tiền chuyển lên huyện giao cho họ mà vẫn ít người mua. Lỗ chồng lỗ”, chị Giảnh thở dài.
Khó giải cứu kịp
Thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức là làng nghề trồng củ đậu truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn xã có hơn 300 hộ nông dân, hàng chục năm qua chuyên trồng củ đậu trên diện tích 36ha.
Bà con nông dân cho biết, tiền giống 1 triệu đồng mỗi ký, cùng phân bón, công chăm sóc, chi phí mỗi sào nhà nông bỏ ra khoảng 5 triệu đồng. Nhờ thời tiết thuận lợi, sau hơn 4 tháng chăm sóc, mỗi sào củ đậu đạt cho 2-3 tấn. Năm nay, sản lượng thu hoạch củ đậu của bà con làng nghề đạt 1.400 tấn. Thông thường các năm, thương lái đến nhà vườn thu mua củ đậu với giá 7.000-8.000, sau khi trừ các chi phí đầu tư, chăm sóc nhà nông lời khoảng 8-9 triệu một sào.
Tuy nhiên năm nay, không có người thu mua, hàng nghìn tấn củ đậu vẫn chưa tiêu thụ được. Quanh các tuyến đường trong thôn xóm, củ đậu tập kết chờ tiêu thụ bị hư hỏng dần. “Tôi có 6 sào mà chưa dám thu hoạch, cũng chưa biết tính sao. Năm nay giá 1.000-1.500 mà không ai mua, có mua thì cũng rất ít và lựa củ lớn còn lại bỏ hết”, ông Trần Huyện cho hay.
Ông Nguyễn Tấn Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Thắng cho biết, củ đậu là cây trồng truyền thống ở địa phương, đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhiều tỉnh thành phía nam, phía bắc. Những năm trước các tỉnh miền nam thường nhập củ đậu ở xã, nhưng nay nhiều nơi ở miền nam người dân trồng được củ đậu.
“Mùa mưa thì rau màu bị ngập úng nên củ đậu thường được tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, năm nay mưa lũ ít, lượng rau củ cung ứng ra thị trường nhiều nên củ đậu ít người mua. Những năm trước củ đậu vùng này bán cho các tỉnh phía nam rất nhiều, nhưng nay nhiều tỉnh trồng được nên thương lái không mặn mà thu mua vì xa, cạnh tranh về chi phí vận chuyển, giá bán nên ứng đọng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Thắng giải thích.
Sau khi huy động các cơ quan đơn vị giải cứu mua bán ủng hộ bà con nông dân, đến nay 300 tấn củ đậu đã được tiêu thụ với giá từ 2.000-4.000 đồng. Hiện hơn 1.000 tấn củ đậu của bà con nông dân huyện Mộ Đức vẫn chưa tiêu thụ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hang-nghin-tan-cu-dau-nguy-co-do-bo-vi-e-am-post787466.html