Hàng nghìn tấn lúa của nông dân Hà Tĩnh chìm trong nước lũ
Mưa lớn xuyên đêm 24 và sáng 25/5 khiến lũ lên nhanh, nước lũ ngâm chìm nhiều tấn lúa vừa thu hoạch và lúa chín ngoài đồng của nông dân Hà Tĩnh.
Hơn 3 sào lúa vừa gặp xong của gia đình bà Nguyễn Thị Nhân (thôn Tân Tiến, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị ướt sũng, trong đêm, lực lượng chức năng, bà con lối xóm tích cực hỗ trợ, mang lên chỗ cao nên vớt vát được phần nào.

Công an xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh hỗ trợ người dân kê cao lúa, tài sản. Ảnh: CATN.
Tình hình ngập lụt xảy ra phức tạp tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà. Các thôn Tân Tiến và Đại Long là những khu vực bị nặng nhất. Báo cáo nhanh từ địa phương cho thấy, gần 100 hộ dân có bị ướt lúa đã thu hoạch, hơn 600 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, gây tổn thất về kinh tế cho các hộ gia đình.
Nước lũ cũng dâng nhanh trong đêm, hàng trăm hộ dân tại xã Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thiệt hại hàng nghìn tấn lúa vừa thu hoạch.

Người dân xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cật lực bảo quản lúa đã thu hoạch. Ảnh: HN.
Đây là khu vực hạ du, ngay sát hồ chứa nước Kẻ Gỗ, mưa lớn kết hợp nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến khoảng 500 hộ dân tại huyện Cẩm Xuyên bị ngập, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt, có nhiều tuyến ngập hơn 1m.
Đặc biệt, tại 2 xã Cẩm Duệ và Cẩm Quan ghi nhận ban đầu, hàng nghìn tấn lúa vụ Đông Xuân của người dân vừa thu hoạch và gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng nề.

Nước lũ lên nhanh khiến lúa của nông dân xã Cẩm Quan ngập trong nước. Ảnh: HN.
Ông Nguyễn Hữu Bình (SN 1970, trú thôn Thượng Long, xã Cẩm Quan) cùng nhiều người dân trong thôn đang lội dưới những ruộng lúa bị ngập, dùng cào để cào rơm rạ do nước lũ tuồn về, mong vớt vát số lúa chưa kịp thu hoạch.
“Tôi dùng thuyền độc mộc chèo ra ruộng từ 4 sáng đến nay để cào rơm rạ, rác... do nước lũ tuồn về mong cứu được 3 sào lúa không bị ngập”, ông Bình vừa cào lúa vừa nói.
Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Sen (SN 1984, trú thôn Thượng Long, xã Cẩm Quan) cũng lội nước lũ, ra sức cào rơm bám trên ngọn những bông lúa, hi vọng cứu được 2 sào lúa của gia đình chưa kịp gặt.

Ngoài đồng, nước lũ tuồn rơm ra chèn lúa chín, nông dân phải cào rơm rạ để mong vớt vát được phần nào tài sản của mình sau 1 vụ mùa vất vả. Ảnh: HN.
“Khoảng 3h sáng, nước bắt đầu nước dâng nhanh. Tôi thức vợ dậy, kê cao số lúa đựng trong bì vừa gặt nhưng cũng không kịp, có khoảng 9 tạ lúa phía dưới không cứu được. Nước càng lúc càng dâng cao, tôi chạy ra chuồng bắt lợn nhốt vào trong phòng bếp, còn 20 con gà đã bị nước lũ cuốn trôi", ông Nguyễn Hữu Linh (SN1967, trú thôn Thượng Long) xót xa cho hay.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan Phạm Văn Thành cho biết: Theo thống kê ban đầu, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là thôn Thượng Long, vùng Đồng Cụp, Khe Mài của thôn Tân Tiến và vùng hạ lưu đập Đá Hàn… Người dân bị thiệt hại nhiều tài sản như lúa, gia súc, gia cầm, xe máy… Trong đêm, chính quyền địa phương trực chỉ đạo, phát thông báo để người dân có phương án bảo vệ tài sản.

Lũ lên quá nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Ảnh: HN.
Ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin, thống kê bước đầu, toàn huyện có hơn 1.500 tấn lúa bị ngập ướt. Việc cấp bách nhất hiện nay là tập trung điều động lực lượng hỗ trợ người dân đưa lúa đi sấy khô ngay lập tức, không để lúa bị ẩm mốc, nảy mầm gây mất trắng. Ngoài ra, địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo người dân dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là xử lý xác động vật chết để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh bùng phát.
Không chỉ Thạch Hà, Cẩm Xuyên, các cấp chính quyền tại huyện Vũ Quang, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Hương Khê, Can Lộc… cũng đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Công tác di dời dân, cứu trợ và khắc phục hậu quả đang được thực hiện một cách khẩn trương, với sự tham gia của các lực lượng chức năng và toàn thể cộng đồng.

Khoảng 19h ngày 24/5, sét đánh khiến ngôi nhà của bà Nguyễn
Thị Dung (SN 1966, thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cháy rụi. Thời điểm sét đánh, ngôi nhà không có người do bà Dung cùng các con đang đi làm thuê ở xa, khi phát hiện ra, nhiều tài sản trong nhà đã bị cháy. Bà Dung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, đông con. Ngôi nhà của bà vừa được xây dựng năm 2024 từ sự hỗ trợ của Bộ Công an và chính quyền địa phương với tổng kinh phí 70 triệu đồng.