ĐBSCL: Xâm nhập mặn có xu thế tăng

Theo Viện khoa học thủy lợi miền Nam, từ ngày 25 đến 29-5, xâm nhập mặn có xu thế tăng, ranh mặn 4‰ sâu nhất trên các cửa sông Cửu Long trên dưới 25km-30km. Các địa phương ở ĐBSCL cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, tranh thủ lấy nước phục vụ sản xuất vụ hè thu và giám sát chặt chẽ chất lượng nước trước khi lấy.

Một trạm quan trắc đo độ mặn tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

Một trạm quan trắc đo độ mặn tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

 Hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) đi vào vận hành giúp hàng trăm ngàn héc-ta đất nông nghiệp vùng hạ lưu ĐBSCL ổn định và chủ động sản xuất

Hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) đi vào vận hành giúp hàng trăm ngàn héc-ta đất nông nghiệp vùng hạ lưu ĐBSCL ổn định và chủ động sản xuất

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định: Tích nước ở các thủy điện trên lưu vực Mê Công hiện cao hơn so với cùng thời kỳ ở các năm 2023 và 2024. Đợt giảm xả nước từ các thủy điện Trung Quốc từ ngày 7-4 đến nay đã ảnh hưởng đến hạ lưu vùng ĐBSCL.

Dự báo, xâm nhập mặn kéo dài đến hết tháng 5-2025. Đối với vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn, nên cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng giữa ĐBSCL cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước mỗi khi có thể, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chế độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Riêng vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý.

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbscl-xam-nhap-man-co-xu-the-tang-post796699.html