Hàng nghìn tàu thuyền ở Quảng Bình gặp khó về chỗ đậu đỗ vì nhiều cửa sông bồi lấp

Việc 4/5 cửa sông lớn của tỉnh Quảng Bình bị bồi lấp khiến việc ra vào tàu cá của ngư dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt, tiêu thụ hải sản.

Tỉnh Quảng Bình có 5 cửa sông lớn thì có tới 4 cửa sông bao gồm Roòn (huyện Quảng Trạch), Lý Hòa (huyện Bố Trạch), Dinh (huyện Bố Trạch) và Nhật Lệ (Tp.Đồng Hới) đều bị bồi lấp. Chỉ còn mỗi cửa sông Gianh đủ sâu để tàu, thuyền ra vào.

Tùy từng thời điểm, nhiều cửa sông có mực nước chỉ còn 20cm - 40cm là chạm đáy. Để cho thuyền ra vào, ngư dân phải đợi lúc thủy triều lên và mất nhiều giờ đồng hồ, thậm chí phải neo đậu xa bờ.

Việc này khiến tàu thuyền của ngư dân đối mặt với nhiều rủi ro khi gặp sóng to, gió lớn hoặc phát sinh nhiều chi phí như dầu, di chuyển. Nhiều gia đình vì vậy cũng ít đi biển hơn.

Cửa sông Lý Hòa bồi lấp khiến nhiều tàu cá ra vào gặp khó khăn.

Cửa sông Lý Hòa bồi lấp khiến nhiều tàu cá ra vào gặp khó khăn.

Ông Trương Thanh Huyền, Chủ tàu QB 91697, phường Hải Thành, Tp.Đồng Hới, cho biết: “Mỗi lần cửa sông cạn tàu thuyền ra vào khó khăn và phức tạp lắm. Nếu không cẩn thận, tàu rất dễ xảy ra hư hỏng, gãy chân vịt, bánh lái. Cửa sông bị bồi lấp từ nhiều năm rồi mà không thể cải thiện được, khiến ngư dân rất vất vả”.

Hay tại cửa sông Roòn (giáp ranh xã Quảng Phú và Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), nơi đây bình thường độ sâu khoảng 1,5m, khi cạn, mực nước xuống còn 0,8m, tàu thuyền không có cách nào có thể vào được mà phải đậu ngoài biển.

Tỉnh Quảng Bình hiện có gần 4000 tàu cá lớn nhỏ.

Tỉnh Quảng Bình hiện có gần 4000 tàu cá lớn nhỏ.

Tỉnh Quảng Bình hiện có gần 4000 tàu cá lớn nhỏ, đa phần các tàu lớn không thể vào cửa sông, phải neo đậu lênh đênh trên biển hoặc vào neo đậu tại các tỉnh khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc mua bán, trao đổi hàng hóa của ngư dân mà còn gây khó khăn trong việc kiểm soát tàu cá của lực lượng chức năng.

Đại úy Phạm Quang Hùng, Trạm trưởng trạm Kiểm soát Nhật Lệ, đồn Biên phòng Nhật Lệ tỉnh Quảng Bình thông tin: “Việc cửa sông bị bồi lấp, tàu thuyền không vào được cầu cảng rất ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, kiểm soát đối với BĐBP”.

Mặc dù các địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nạo vét, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại bị bồi lấp ảnh hưởng lớn đến việc ra khơi của ngư dân.

Mặc dù đã được nạo vét nhưng tình trạng bồi lấp cửa sông vẫn tái diễn.

Mặc dù đã được nạo vét nhưng tình trạng bồi lấp cửa sông vẫn tái diễn.

Như cửa sông Lý Hòa, trước tình trạng cát bồi lấp cửa sông, năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã đầu tư 14 tỷ đồng để nạo vét, khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, tạo điều kiện để tàu cá ra vào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, tình trạng bồi lấp tái diễn, cát nhanh chóng bịt kín cửa sông Lý Hòa, chặn đường ra vào của tàu thuyền.

Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, Lê Văn Lợi cho biết địa phương đã sử dụng các nguồn kinh phí để nạo vét nhưng tình trạng vẫn tái diễn. “Chúng tôi đã sử dụng các nguồn kinh phí để nạo vét. Cửa cạn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, có thể mất hàng ngàn tỷ đồng cho một cửa. Sở đã có đề xuất UBND tỉnh, các bộ ngành Trung ương có hỗ trợ, để chỉnh lý bờ sông giúp chống xói lở, gây bồi đắp nhằm bảo vệ bờ”.

Xác định việc nạo vét thông luồng các cửa sông không chỉ đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân lưu thông, mà còn góp phần phát huy thế mạnh về kinh tế biển của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh trên biển.

Do đó tỉnh Quảng Bình cần khảo sát, nghiên cứu phương án khắc phục mang tính lâu dài để giúp ngư dân thuận tiện cho tàu thuyền ra vào đánh bắt, phát triển kinh tế địa phương.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hang-nghin-tau-thuyen-o-quang-binh-gap-kho-ve-cho-dau-do-vi-nhieu-cua-song-boi-lap-204240824220721678.htm