'Hàng phục' hạn, mặn
Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.
Ký ức khó quên
Trong ký ức của người dân Ngũ Điền khó có thể quên một thời mỗi lần đến Huế bằng những chuyến đò dọc, phải trải qua những lần “giằng co” nơi khúc sông có sự hiện diện con đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long huyền thoại. Mỗi chuyến đò dọc từ Ngũ Điền đến Huế phải mất hơn 3 giờ đồng hồ, ấy thế mà nhiều lúc còn phải “hầu” thêm cả giờ khi gặp con nước lớn, triều cường, đập Thảo Long buộc phải đóng cửa để ngăn mặn.
Có lúc phải chờ con nước chướng lướt qua mất cả buổi nên buộc chuyến đò không còn cách nào khác phải quay ngược trở về bến cũ. Chuyến đò chở bao nhiêu hành khách lẫn hàng hóa, nông sản như nưa, môn, hành, ném, cá, tôm… của người dân Ngũ Điền đành phải lỗi hẹn với mối hàng chợ Đông Ba. Còn những học sinh, sinh viên như chúng tôi hồi đó cũng bao lần trễ học vì những chuyến đò cách trở bởi đập NMGN Thảo Long cũ.
Còn cư dân địa phương sinh sống nơi hạ nguồn sông Hương, gần cửa biển Thuận An như xã Hương Phong (TP. Huế) một thời phải cách đò trở giang trong mọi sinh hoạt, buôn bán khi đập NMGN Thảo Long chỉ là con đập tạm bợ. Các lứa học sinh, sinh viên ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong thời ấy cứ mỗi buổi đến trường, hay giờ tan học trở về nhà đều phải vượt qua eo sông bằng xuồng.
Từ những năm 2005 trở về trước, khi cầu đập NMGN Thảo Long chưa xây dựng hoàn thành thì hầu như mùa khô hạn năm nào, người dân trên địa bàn tỉnh cũng chịu cảnh uống nước lợ. Nhiều diện tích lúa hè thu, có khi cả đông xuân ở các địa phương hạ nguồn sông Hương chịu cảnh nhiễm mặn, mất năng suất, thậm chí mất trắng.
Nước mặn xâm nhập vào các sông là điều tất yếu khi đập Thảo Long cũ tạm bợ, các cửa cống xây dựng bằng bê tông, gỗ sau nhiều năm sử dụng, mưa lũ bào mòn đã xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo cho việc NMGN trên các dòng sông. Đặc biệt, có thời điểm dòng sông Hương bị nước mặn xâm nhập đến tận trung nguồn. Không chỉ dân ven phá, ven sông mà cả dân TP. Huế cũng chịu cảnh nấu cơm, nước uống bằng nguồn nước lợ do xâm nhập mặn trên sông Hương.
Ngăn mặn triệt để
Gần 20 năm nay kể từ khi cầu - đập NMGN Thảo Long hoàn thành, đưa vào sử dụng như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh. Đập NMGN Thảo Long với kết cấu dưới đập, phía trên kết hợp cầu giao thông được xây dựng hiện đại, vững chắc. Phía dưới đập là hệ thống cửa van tự động được vận hành bằng công nghệ hiện đại để NMGN, tiêu thoát lũ.
Cầu giao thông Thảo Long ra đời thuận tiện cho việc giao thương, đi lại, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng. Sau cầu Thảo Long, cầu Tam Giang được đầu tư tạo thuận lợi cho người dân giao thông lên Huế, các vùng lân cận bằng xe máy, ô tô, xe khách, từ đó những chuyến đò dọc ngày nào giờ đã không còn. Nhờ thế, những chuyến hàng, giao thương giữa các địa phương với TP. Huế được vận chuyển kịp thời hơn, đáp ứng nhu cầu đời sống Nhân dân.
Từ ngày có đập Thảo Long mới, tình trạng xâm nhập mặn trên các sông được ngăn chặn triệt để, người dân không còn cảnh phải ăn uống nước lợ như thuở nào. Nguồn nước trên hệ thống đầm phá, các sông ổn định đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản nước lợ, ngọt trên các sông và đầm phá Tam Giang. Mấy năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến hạn hán gay gắt, diễn biến phức tạp, song trên địa bàn tỉnh không bị xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống Nhân dân.
Năng suất, chất lượng lúa, thủy sản nuôi ở các vùng ven sông, đầm phá tăng lên hằng năm một phần nhờ nguồn nước đảm bảo, ổn định sản xuất. Riêng lúa vụ nào cũng đạt năng suất bình quân 62-68 tạ/ha. Các loại cá nuôi như dìa, kình, chẽm, mú, nâu, cua, tôm sú… có giá trị kinh tế cao đang được người dân các vùng đầm phá đưa vào nuôi mang lại hiệu quả và đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa.
Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, ông Dương Đức Hoài Khánh trao đổi, đập NMGN Thảo Long có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nên mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp đập Thảo Long đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả trong cả NMGN và tiêu thoát lũ kịp thời. Dự án được giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 350 tỷ đồng.
Từ nhiều mùa lũ qua, công trình đập Thảo Long luôn vận hành đảm bảo an toàn, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào đã góp phần rất lớn cùng với các công trình hồ, đập đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân trong mùa mưa lũ.
Ai đã từng đi qua vùng Ngũ Điền, vùng đầm phá Quảng Điền - nơi hiện diện của con đập NMGN Cửa Lác mới cảm nhận sự đổi thay của các địa phương này. Những cánh đồng lúa, rau màu, cây trái dù trong điều kiện nắng hạn do biến đổi khí hậu vẫn xanh tốt bốn mùa. Và trong hành trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương không thể không kể đến vai trò vô cùng quan trọng của con đập huyền thoại này.
Từ tuyến đập NMGN được đắp bằng bùn đất, gia cố cọc tre từ sau ngày đất nước giải phóng, đến năm 2000 trở đi, đập Cửa Lác được tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp bằng bê tông, cốt thép vắt ngang đầm phá, vừa ngăn mặn kết hợp với đường giao thông kết nối, giao thương giữa vùng Ngũ Điền với huyện Quảng Điền.
Tuyến đập kiên cố ra đời ngăn chặn triệt để tình trạng xâm nhập mặn, tạo nguồn nước trong lành cho các loài thủy sản, thực vật sinh sôi, bảo tồn đa dạng sinh học nơi vùng cửa sông Ô Lâu và sản xuất lúa hai vụ tại các địa phương Ngũ Điền và huyện Quảng Điền. Nhân dân các địa phương từ đó từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả nhờ khai thác, nuôi trồng thủy sản trên sông, đầm phá.
Phía thượng nguồn các con sông trên địa bàn tỉnh còn mọc lên hàng loạt công trình hồ chứa thủy lợi như hồ Truồi, Tả Trạch, Thủy Yên, Khe Ngang, Thọ Sơn, Hòa Mỹ, hay các hồ thủy điện… có vai trò, nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong cấp nước tưới chống hạn cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân.
Trong điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài trong nhiều vụ lúa hè thu, thậm chí cả vụ đông xuân nhưng các công trình vẫn đảm bảo vận hành, cấp nước phục vụ tưới, không để đồng ruộng thiếu nước. Hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh với dung tích chứa hơn 2 tỷ m3 nước còn góp phần cắt lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ cho các địa phương hạ lưu các sông.