Hãng pin lớn nhất Trung Quốc ra mắt dịch vụ đổi pin cho xe tải hạng nặng
Tập đoàn sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc CATL công bố ra mắt trạm dịch vụ hoán đổi pin cho xe tải hạng nặng.
Ngày 13/6/2023, CATL công bố giải pháp trạm dịch vụ hoán đổi pin cho xe tải hạng nặng chạy bằng pin tại thị trường Trung Quốc.
Mặc dù phần lớn xe tải hạng nặng ở Trung Quốc vẫn dùng động cơ đốt trong, tuy nhiên hãng pin khổng lồ CATL chủ trương phát triển trạm đổi pin, nhằm đón đầu xu hướng về một dạng hạ tầng thiết yếu cho yêu cầu điện hóa trong vận tải.
Ít người biết rằng dịch vụ hoán đổi pin đầu tiên được bắt đầu vào năm 1912 bởi General Motors và tồn tại 12 năm cho đến khi bị đóng cửa do nhu cầu suy yếu.
Hồi đó là đổi bình ắc quy chiếu sáng trên xe chứ chưa hẳn là khối pin tích trữ nhiều năng lượng như hiện nay.
Phải mất 83 năm sau, công ty khởi nghiệp Better Place ở thung lũng Silicon (Mỹ) tiếp tục phát triển quy trình chuyển đổi pin vào năm 2007 và liên minh Nissan - Renault đã đăng ký cho các dự án thí điểm ở một số quốc gia.
Sáng kiến này của Better Place sau đó cũng chết yểu vì thiếu sự quan tâm của các nhà sản xuất xe điện.
Better Place đã tiêu tốn hơn 600 triệu đô la tiền của các nhà đầu tư trước khi nộp đơn phá sản vào năm 2013.
Cùng năm đó, Tesla bắt đầu tung dịch vụ hoán đổi pin cho mẫu xe Tesla Model S, nhưng rồi năm 2014, Tesla phải từ bỏ dự án trạm hoán đổi pin, thay vào đó tập trung xây dựng mạng lưới sạc nhanh mang tên SuperCharger.
Đó là sơ lược lịch sử của mô hình trạm đổi pin, nhưng từ năm 2020, hãng xe điện khởi nghiệp NIO của Trung Quốc dường như đã vận hành khá thành công dịch vụ hoán đổi pin, với hơn 15 triệu lượt hoán đổi đã được thực hiện cho đến hết năm 2022.
NIO tuyên bố họ cung cấp khoảng 40.000 lượt hoán đổi pin mỗi ngày, chủ yếu là xe điện mini với khối pin rời trọng lượng nhẹ, việc thay pin mất khoảng 5 phút/lượt.
Dường như gã khổng lồ về pin CATL đã nắm bắt cơ hội này ở nhóm khách hàng vận tải, là xe tải hạng nặng chạy bằng điện và xe buýt điện, thường sử dụng những bộ pin khổng lồ.
Việc sạc đầy pin cho xe buýt điện thường mất 12 - 20 giờ, vì vậy việc hoán đổi pin có thể là một giải pháp tốt hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng loại pin Lithium Iron Phosphate trong cấu hình không cần làm mát tích cực, CATL có thể tối ưu hóa đáng kể các bộ pin để hoán đổi.
Qiji Energy là công ty con trực thuộc CATL sẽ đảm nhiệm phát triển mạng lưới đổi pin ở Trung Quốc, được thiết kế riêng cho xe tải hạng nặng.
Các gói pin bao gồm tối đa 3 khối được cấu thành bởi các tế bào pin LFP thế hệ thứ ba của CATL không tỏa nhiều nhiệt và tuổi thọ hơn 15.000 chu kỳ sạc.
Vào tháng 1/2023, CATL cũng đã khai trương trạm dịch vụ hoán đổi pin cho ô tô buýt ở 3 thành phố Hạ Môn, Hợp Phì và Quý Dương, với thời gian đổi pin không quá 5 phút.