Hàng quán tăng giá, chuyên gia nói chưa lo
Việc hàng quán tăng giá có thể tạo nên trạng thái giằng co giữa người kinh doanh và khách hàng trong ngắn hạn, nhưng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững dài hạn.

Chuyên gia nhận định sẽ sớm có một làn sóng tăng giá. Ảnh: Tường Vi.
Từ giữa tháng 6, nhiều hàng quán từ bánh mì, cơm, bún, phở đã rục rịch tăng giá từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Theo chuyên gia, điều này là xu hướng tất yếu khi hộ kinh doanh và doanh nghiệp phải "gánh" trên vai nhiều áp lực chi phí.
Dù vậy, đây không phải là tín hiệu tiêu cực mà trái lại, có thể là cú hích để thanh lọc và đưa thị trường tiến lên.
Rục rịch tăng giá
Anh Trường Giang - chủ một quán bán cơm trưa và đồ ăn vặt tại chung cư ở phường Phú Thuận, TP.HCM đã tăng giá các món ăn thêm 5.000 đồng từ ngày 25/6 vì chi phí thuê mặt bằng cùng nguyên liệu đã tăng thêm khoảng 10% so với cùng kỳ.
"Trước đó, tôi đã 'đánh tiếng' với tất cả khách hàng về thời điểm tăng và mức tăng để mong họ thông cảm. Sau 1 tuần, nhìn chung lượng khách vẫn ổn định nên tôi dần yên tâm", anh Giang cho biết.
Tương tự, quán bò lá lốt của chị Hoài Thu chỉ bán trên các ứng dụng công nghệ cũng tăng thêm 10.000 đồng/phần ăn.
"Phí app tăng cộng với phần thu hộ thuế 4,5% dịch vụ ăn uống khiến tôi buộc phải tăng giá", chị Hoài Thu chia sẻ.
Trên app, chị cũng ghi chú rõ lý do tăng giá để mong khách thông cảm và hứa sẽ giải quyết các khiếu nại nhanh chóng để họ hài lòng.
Trong khi đó, chị N.T, chủ 3 cơ sở bán matcha tại TP.HCM lại đang phân vân việc tăng giá. Vị chủ quán cho biết khách thường dễ chấp nhận khi đồ ăn hàng ngày như cơm, phở tăng giá, nhưng với đồ uống lại có tâm lý dè chừng và so sánh với các lựa chọn khác.
"Tôi đang cân nhắc sẽ tăng 10% vào giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, quán tôi đã có mức giá tương đối cao nên tôi vẫn đang tìm cách cân đối các chi phí", chị nói.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School cho biết các tiệm kinh doanh nhỏ thường phải tăng giá sớm để duy trì biên lợi nhuận vì không có lợi thế quy mô để đàm phán chi phí hay dự trữ tài chính dài hạn.
Ngược lại, chuỗi lớn đang rơi vào "thế bí". Nếu tăng giá ngay, quán có nguy cơ mất khách trung thành rất cao; nhưng nếu không tăng, lợi nhuận dần bị bào mòn, ảnh hưởng đến năng lực tái đầu tư.
Trong bối cảnh sức mua suy giảm, quyết định tăng giá trở thành "bài toán khó", đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng về thời điểm, mức độ và chiến lược truyền thông giá trị, theo ông Thanh.
Tăng giá không tiêu cực
Dù vậy, ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc iPOS.vn nhận định việc tăng giá sản phẩm trong tương lai là điều không thể tránh khỏi và sẽ sớm có một làn sóng tăng giá diễn ra trên thị trường.
"Ở góc nhìn của tôi, việc tăng giá không phải là vấn đề tiêu cực. Đây nên được xem là lời tuyên ngôn cho một lộ trình sản phẩm tốt hơn, dịch vụ tốt hơn, không chỉ để duy trì qua khó khăn, mà để phát triển lâu dài", ông Hùng nói thêm.
Việc tăng giá nên được xem là lời tuyên ngôn cho một lộ trình sản phẩm tốt hơn, dịch vụ tốt hơn, không chỉ để duy trì qua khó khăn, mà để phát triển lâu dài
Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc iPOS.vn
Ông Hùng cho rằng mức tăng khoảng 10% hoàn toàn có thể giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái đầu tư và nâng cấp chất lượng dịch vụ, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững.
Khi các doanh nghiệp có doanh thu tốt hơn, trải nghiệm khách hàng và thị trường cũng sẽ dần tích cực hơn, nền kinh tế cũng có thể nhờ đó được thúc đẩy.
Ông Hùng gợi ý khi tăng giá, thương hiệu có thể tối ưu phương án triển khai như thay mới menu, sáng tạo combo, hoặc thêm ưu đãi, quà tặng...
Còn với ông Thanh, doanh nghiệp F&B, nhất là các chuỗi lớn cần có lộ trình tăng giá phù hợp, trong đó chia nhỏ mức tăng thành nhiều đợt trong năm, mỗi đợt tăng 5-8% để khách hàng dễ thích nghi, tránh tạo cú sốc tâm lý.
Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp gắn liền việc tăng giá với nâng cấp chất lượng món ăn, dịch vụ, không gian để khách cảm nhận giá trị tăng cùng giá bán, đồng thời truyền thông rõ ràng, minh bạch về lý do tăng giá nhằm tạo sự đồng cảm, duy trì niềm tin của khách hàng.
Ông Thanh nhận định về ngắn hạn, thị trường có thể duy trì trạng thái giằng co: Doanh nghiệp thận trọng tăng giá, khách hàng cẩn trọng chi tiêu.
Tuy nhiên, từ năm 2026 khi chính sách bắt buộc kê khai, hóa đơn điện tử áp dụng cho mọi hộ kinh doanh, thị trường F&B sẽ bước vào giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ.
"Chỉ những thương hiệu chuyên nghiệp, quản trị bài bản, kiểm soát tốt chi phí và đầu tư vào trải nghiệm khách hàng mới đủ năng lực tồn tại, phát triển bền vững. Thị trường nhờ đó cũng minh bạch, vững vàng và ngày càng đem lại nhiều giá trị cho khách hàng", ông Thanh khẳng định.