Phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu phức tạp hơn

Tính đến hết tháng 6/2025, đã có 291 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng: sắt thép, nhôm, thủy sản, gỗ, sợi...

Các cuộc điều tra PVTM từ nhiều thị trường không chỉ gia tăng về số lượng, còn trở nên phức tạp hơn với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn.

Các cuộc điều tra PVTM từ nhiều thị trường không chỉ gia tăng về số lượng, còn trở nên phức tạp hơn với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn.

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến hết tháng 6/2025, đã có 291 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng bị khởi xướng điều tra phổ biến là sắt thép, nhôm, thủy sản, gỗ, sợi, dệt may, nhựa, hóa chất, điện tử,...

Mỹ là thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với 76 vụ việc (chiếm 26% tổng số vụ việc).

Mới nhất, hôm 25/6, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm bê tông cốt thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Một vụ điều tra "kép" khác cũng được Mỹ tiến hành hôm 11/6 khi chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Việt Nam

Để tham gia một vụ việc phòng vệ thương mại , các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bị chọn điều tra mẫu, đại diện cho cả ngành và kết quả điều tra sẽ là cơ sở để tính mức thuế phòng vệ thương mại cho cả ngành cần phải bố trí nguồn lực về nhân sự, thời gian, tài chính, thuê luật sư của nước nhập khẩu và đối tác Việt Nam... để kháng kiện.

Trong đó, chi phí thuê luật sự cho một vụ việc là khá lớn, trung bình khoảng 13 tỷ đồng cho 1 vụ việc của Mỹ.

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

Tính riêng năm 2024, số vụ việc phòng vệ thương mại là 28 đến từ 12 thị trường.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, số vụ việc khởi xướng mới với ta là 10 vụ việc (chưa kể 4 vụ việc các nước mới nhận đơn kiện, chưa khởi xướng), bên cạnh các vụ việc khởi xướng điều tra từ các năm trước và hơn 100 biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng phải rà soát hàng năm, giữa kỳ, cuối kỳ.

Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng, còn trở nên phức tạp hơn khi các quốc gia điều tra đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt hơn, như yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, hạn chế thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng cũng như đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng.

Để giúp các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh, Bộ Công thương thường xuyên cập nhật danh sách, đăng tải thông tin cảnh báo sớm các mặt hàng có khả năng bị nước ngoài điều tra, đồng thời gửi thông báo đến các cơ quan, hiệp hội ngành hàng.

Bộ Công thương cũng thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các chính sách thuế quan khác của Mỹ để báo cáo Chính phủ và thông báo đến các hiệp hội, doanh nghiệp.

Hiện Hệ thống cảnh báo sớm đã xác định một số nhóm hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị điều tra phòng vệ thương mại, bao gồm ngành gỗ (gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa khung gỗ, gỗ thanh định hình); thép (thép cán nóng, thép dự ứng lực, thép chống ăn mòn, cáp thép); vật liệu xây dựng (đá nhân tạo, gạch men); cơ khí, chế tạo (pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện, máy giặt, lốp xe) và kim loại màu.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phong-ve-thuong-mai-voi-hang-xuat-khau-phuc-tap-hon-d322439.html