Hàng tấn cá chết nổi trắng hồ, bốc mùi giữa trung tâm Đà Nẵng
Cá chết chủ yếu là loại rô phi, bốc mùi hôi thối nồng nặc gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân giữa trung tâm Đà Nẵng.
Đến sáng 16-6, tình trạng cá chết tiếp tục xuất hiện tại hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Cá chết chủ yếu là loại cá rô phi lớn, to bằng bàn tay. Cá chết nổi trắng mặt hồ, nhất là khu vực dọc bờ, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo anh Hoài, quản lý quán nhậu ngay hồ Thạch Gián, cho biết cá chết bắt đầu xuất hiện lác đác từ ngày 11-6. Liên tiếp những ngày sau đó cá chết ngày càng nhiều, đến sáng nay thì nổi trắng hồ.
“Các quán kinh doanh ven hồ giờ khó khăn vì bốc mùi hôi thối khách không ngồi được. Các hộ dân xung quanh đóng kín cửa, thậm chí nhiều người đi đường phải đưa tay bịt mũi", anh Hoài bức xúc nói.
Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và Xử lý nước thải tiếp thì đơn vị này vẫn cử công nhân đến dọn dẹp vệ sinh, vớt xác cá chết liên tục. Mỗi ngày các công nhân vớt được vài trăm kg đến cả tấn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, nguyên nhân cá chết là do hồ Thạc Gián có một vị trí bị rò rỉ nước thải vào hồ, còn hồ Vĩnh Trung có 3 vị trí bị rò rỉ. Qua lấy mẫu phân tích cho thấy hàm lượng oxy hòa tan không đảm bảo quy chuẩn cho phép. Đây là hiện tượng phú dưỡng: Khi tảo phát triển (do chất hữu cơ nhiều quá), lúc trời nắng thì hiện tượng quang hợp xảy ra, sinh ra oxy nhiều. Nhưng khi hết nắng, hoặc lớp nước sâu không có ánh sáng thì hiện tượng hô hấp xảy ra, lúc đó tảo sẽ lấy oxy trong nước và sinh ra CO2, việc lấy oxy trong nước làm cá không còn oxy để hô hấp nên dẫn đến bị chết.
Việc thiếu oxy này khiến nhiều loại sinh vật sống dưới nước chết, nhất là loại cá yếu như rô phi. Sở này cũng đề xuất UBND thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra, khắc phục tình trạng nước thải chảy vào hồ.
Trước đó, trong sự kiện Tọa đàm mùa Xuân do Đà Nẵng tổ chức, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò vôi", ngụ Bình Dương), cùng đội ngũ kỹ thuật đã tìm ra được giải pháp giữ gìn nguồn nước bằng phương pháp xử lí vi sinh. Ban đầu, chính quyền thành phố đồng ý cho ông Dũng thực hiện tại hồ Thạc Gián. Sau đó, ông Dũng đem vật tư ra định làm thì thành phố đổi ý, yêu cầu ông Dũng thực hiện ở hồ khác dẫn đến hai bên không thống nhất, ông Dũng đem vật tư về lại Bình Dương.