Hãng thép Nhật mua trọn 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Pomina
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) được tổ chức sáng ngày 14/7 với số cổ đông đại diện cho 258 triệu cổ phần, tương đương 92,26% vốn điều lệ công ty.
Tại Đại hội, nhìn lại năm 2022, Chủ tịch Thép Pomina Đỗ Duy Thái nhận định đây là một năm thách thức với ngành thép khi thị trường nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp thép rơi vào khó khăn, thua lỗ.
Từ tháng 4/2022, giá thép bắt đầu lao dốc. Thời điểm này, lò cao của Pomina chỉ mới vận hành được 2 tháng. Chi phí vận hành cùng việc tồn kho giá cao đã khiến công ty lỗ nặng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Pomina cho rằng ngành thép sẽ tốt lên từ năm 2024 nên giờ là lúc tái cấu trúc, chuẩn bị tài chính để đón sự trở lại của ngành. Cũng vì vậy, Pomina đã thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
Bất động sản đình trệ là nguyên nhân Pomina tiếp tục đặt kế hoạch lỗ
Trong tài liệu họp, Pomina đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu 9,000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu trước đó là doanh thu 14,000 tỷ đồng và lãi sau thuế 300 tỷ đồng.
Ông Đỗ Duy Thái chia sẻ việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thể hiện sự thận trọng của HĐQT trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, đặc biệt là khi Pomina cho rằng ngành bất động sản sẽ chưa tốt lên trong năm nay.
Theo ông Thái, thị trường bất động sản có thể vẫn bất động trong năm nay. Dù Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các công ty bất động sản, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian.
Chủ tịch Pomina chia sẻ sự tự tin về triển vọng của ngành, với những tín hiệu tốt từ thị trường chứng khoán khi cổ phiếu bất động sản đã tăng mạnh từ đầu năm nay. Dù vậy, với sự thận trọng, công ty quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch để phù hợp hơn với thực tế.
Với năm 2024, ông Đỗ Duy Thái đặt nhiều niềm tin vào sự trở lại của thị trường bất động sản và ngành thép. Theo ông, khi giá xuống tới đáy, sẽ có cơ hội để bật lên cao hơn và hợp tác với Nansei để chuẩn bị tài chính cho năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng nhất của Pomina giai đoạn này.
Khi thị trường trở lại, ông Thái tin tưởng, với nguồn lực tài chính đầy đủ và sự hợp tác chiến lược với Nansei, Pomina sẽ đủ nguồn lực để phục vụ thị trường.
Phát hành 70 triệu cổ phiếu cho đối tác Nhật Bản
Một nội dung được nhiều cổ đông quan tâm đó là việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Thép Pomina cho biết sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu cho Công ty Nansei (Nansei Steel), một hãng thép của Nhật Bản, với giá 10.000 đồng/cp.
Với thương vụ này, Nansei sẽ tham gia đầu tư vào POM và trở thành cổ đông chiến lược. Công ty cũng chốt nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại POM là dưới 65%.
Hai bên đã thống nhất chia quá trình phát hành số cổ phiếu này làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 8/2023 với 10,6 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành. 59,6 triệu cổ phiếu còn lại sẽ phát hành trong đợt 2, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024. Dự kiến, sau khi hoàn tất, vốn điều lệ mới của Pomina sẽ tăng lên hơn 3.498,5 tỷ đồng.
Tại đại hội, ông Inafuku Makoto, đại diện hãng thép Nansei Steel, chia sẻ Nansei là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế tại Nhật Bản với khoảng 30 cơ sở kinh doanh trên cả nước, với thế mạnh là xuất khẩu.
Ông Inafuku Makoto cho biết điểm đặc trưng của các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Nhật Bản là tự khai thác thị trường nước ngoài, độc lập ở các khâu vận chuyển trong quá trình xuất khẩu. Nansei Steel và Pomina đã hợp tác với nhau được 9 năm.
“Cùng với sự mở rộng nhu cầu từ Pomina, chúng tôi cũng từng bước trở thành đơn vị kinh doanh nguyên liệu vật liệu tái chế hàng đầu Nhật Bản với 30 chi nhánh trên toàn quốc. Chúng tôi phát triển cùng sự lớn mạnh của Pomina và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.”
Ông Inafuku Makoto, đại diện Nansei Steel
Ông Inafuku Makoto cũng cho biết Nansei Steel đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán. Dù vậy, hai bên vẫn cần phải thảo luận chiến lược với các đối tác liên quan, điều động tiền ngân hàng và phải vượt qua các khó khăn khác.
Tuy nhiên, ông tự tin vào thế mạnh của Pomina và Nansei, với năng lực sản xuất và thương hiệu của Pomina cùng năng lực cung ứng ổn định từ Nansei. Đặc biệt khi Pomina là một trong số ít những nhà sản xuất sở hữu chuỗi công nghệ luyện thép Consteel, hoàn toàn khép kín và đồng bộ.
Trên thị trường chứng khoán, ngay trong sáng 14/7, cổ phiếu POM diễn biến đầy hưng phấn khi tăng kịch trần và trắng bên bán, với gần 1,7 triệu cổ phiếu được giao dịch, đưa thị giá POM chạm mức 7.390 đồng/cp. So với mức giá này, giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác Nhật Bản của Pomina đang cao hơn 35%.
Dự định tái cấu trúc và chuyển nhượng một phần vốn tại Pomina 3
Các cổ đông cũng rất quan tâm tới việc Pomina dự định tái cấu trúc tách Chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và Chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành hai công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập. Sau đó, công ty sẽ chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3.
Pomina cũng cho biết sẽ vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. Đổi lại, để được vay vốn, công ty sẽ thế chấp quyền sử dụng đất (thuê 30 năm và có diện tích 42,890 m2) tại lô M, KCN Sóng thần II, tỉnh Bình Dương, quyền sở hữu văn phòng, căn tin và nhà xưởng tại khu đất này, cùng với máy móc thiết bị và các tài sản khác.