Hàng tồn đầy kho: DN 'chạy ăn từng bữa', nông dân bỏ đất đi làm thuê

Hàng ngoại tràn vào khiến đường nội tồn chất đống trong kho, doanh nghiệp 'chạy ăn từng bữa', giảm thu mua mía nguyên liệu còn nông dân thua lỗ suốt mấy năm nay, nhiều người phải bỏ xứ đi làm thuê.

Đó là những chia sẻ của doanh nghiệp, người nông dân trồng mía tại hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" sáng 1/12. Song, các chuyên gia cho rằng khi hội nhập thì phải cạnh tranh sòng phằng, doanh nghiệp mía đường Việt Nam cần tự thay đổi, tự lớn mạnh, những trường hợp thụ động thì cần thiết phải đào thải.

Thua lỗ nặng, chạy ăn từng bữa

Chia sẻ về chuyện cây mía mình gắn bó nhiều năm nay, bà Trần Thị Yến - nông dân trồng mía tại Phú Yên - cho biết, có thời gian cây mía giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu và cải thiện cuộc sống. Nhưng từ năm 2016, đường nhập lậu Thái Lan tràn vào thị trường khiến giá đường giảm mạnh, giá mía thu mua tại ruộng cũng giảm sâu. Thêm vào đó, chi phí trồng mía lại tăng vọt gây ra sức ép lớn cho người nông dân.

Cây mía không còn tạo ra lợi nhuận kinh tế lớn, người nông dân trồng mía không thu được lãi, thậm chí là lỗ vốn, buộc phải giảm diện tích trồng mía hoặc bỏ đất hoang. Nhiều trường hợp phải bỏ xứ đi làm thuê hoặc không có công ăn việc làm ổn định, bà nói.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng, thừa nhận, vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng ngày càng giảm. Năm 2017, diện tích mía lên tới 8.400ha, nay giảm còn khoảng 2.400ha. Sản lượng thu mua của doanh nghiệp cũng giảm dần, từ 476.000 tấn năm 2017 xuống còn 170.000 tấn năm 2020.

Thu nhập bình quân của người trồng mía vì thế liên tục thua lỗ. Cụ thể, năm 2017 lỗ 5 triệu đồng/ha, năm 2018 lỗ 8,4 triệu/ha, năm 2019 lỗ 200.000 đồng/ha, đến năm 2020 thì người dân hòa vốn.

Nông dân trồng mía chịu cảnh thua lỗ suốt mấy năm nay

Nông dân trồng mía chịu cảnh thua lỗ suốt mấy năm nay

Ông Hiếu lý giải, sản lượng đường giảm mạnh là do tác động của hàng nhập lậu, của gian lận thương mại, ngoài ra còn do sự biến tướng trong sản xuất.

“Chúng tôi cũng đã đầu tư chuyên sâu phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời tái cơ cấu và cải tiến công nghệ chế biến để hội nhập tốt hơn. Tuy nhiên, trước thực trạng tiền không có, có những vụ chúng tôi chỉ bán được 10% trong suốt vụ sản xuất, tồn kho tới 90%. Chạy ăn từng bữa, chạy lương, chạy bảo hiểm cho nhân viên nên doanh nghiệp và nông dân trồng mía vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, dại diện Công ty mía đường Cần Thơ cho hay, giá đường ngoại nhập chính ngạch và nhập lậu thấp khiến sản lượng đường ở Việt Nam 3 năm nay sụt giảm, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam chỉ ra rằng các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực.

Do đó, sau thời gian phát triển nóng, diện tích trồng mía đang có xu hướng thu hẹp. Số hộ nông dân và hợp tác xã trồng mía ngày càng giảm; tỷ lệ nông dân trồng mía nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số và chưa áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất khiến cho lợi thế cạnh tranh ngày càng suy yếu.

Tự chuyển đổi để cạnh tranh sòng phẳng

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hội nhập ngày càng sâu rộng, bên cạnh những cơ hội lớn thì thách thức với các ngành hàng nội địa là không hề nhỏ. Mía đường có quá trình phát triển 25 năm, song trước ngưỡng cửa hội nhập lại phải đối mặt vô vàn khó khăn, đặc biệt là việc cạnh tranh với đối thủ Thái Lan.

Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.

Doanh nghiệp mía đường cần thay đổi để có thể cạnh tranh sòng phẳng khi hội nhập

Doanh nghiệp mía đường cần thay đổi để có thể cạnh tranh sòng phẳng khi hội nhập

Hiện nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Theo ông, hội nhập là điều tất yếu. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, hay những chính sách ưu đãi đối với hàng nhập khẩu lại là rào cản đối với hàng nội địa.

Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh. Những trường hợp thụ động với thị trường nhiều biến đổi thì cần thiết phải có một cuộc đào thải, ông Doanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích nói thêm, năng suất và chất lượng mía của nước ta vẫn khá khiêm tốn so với đối thủ Thái Lan. Thế nên, nếu không khắc phục được những yếu kém này thì chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà.

“Những năm tới cần dồn sức để tái cơ cấu ngành này”, ông khẳng định. Theo đó, cần thu quy mô sản xuất đường theo hướng kiên quyết xóa bỏ những nhà máy mía đường quy mô nhỏ. Bởi, với tổng công suất 162,3 tấn mía/ngày nói trên, nếu số lượng nhà máy mía đường vẫn là 41 thì công suất bình quân chỉ dưới 4.000 tấn mía/ngày, tức bằng khoảng 40% so với công suất các nhà máy đường của Úc hay Brazil, thậm chí chỉ bằng 1/5 công suất của Thái Lan.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các vùng mía nguyên liệu cho tương thích cho các nhà máy lớn tồn tại lâu dài, đồng thời chuyển đổi hướng sản xuất cho các vùng nguyên liệu của những nhà máy đường không đủ sức cạnh tranh bị xóa sổ, ông chia sẻ.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/doanh-nghiep-chay-an-tung-bua-nong-dan-trong-mia-bo-xu-di-lam-thue-694019.html