'Hàng tồn kho của Nam Long (NLG) không đáng ngại, sẽ sớm chuyển thành dòng tiền với tiến độ bán hàng tốt hiện nay'
'Hàng tồn kho của Nam Long không đáng ngại, khi hàng tồn kho hiện nay là những dự án đang triển khai, sắp bàn giao trong năm 2024 và các dự án đang được mở bán với tiến độ tốt như hiện nay. Nhưng hàng tồn kho luôn là vấn đề có giải pháp quản trị rủi ro trong chiến lược phát triển của Tập đoàn', ông Nguyễn Xuân Quang Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm tại ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT NLG bỏ phiếu biểu quyết tại ĐHCĐ vừa qua
Nam Long là nhà phát triển bất động sản lớn cảm nhận như thế nào về tiến trình tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản hiện nay, thưa ông?
Tôi thấy Chính phủ đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, trong suốt cả năm 2023 vừa rồi cho đến các tháng đầu năm 2024. Tháo gỡ từ pháp lý cho đến tài chính, tác động đến ngân hàng và hỗ trợ tối đa cho bất động sản.
Nhưng để thấy hiệu ứng rõ ràng cần có thời gian, có độ trễ trong thực thi chính sách. Với hành động quyết liệt và tinh thần Chính phủ kiến tạo như thế thì kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ khó khăn trong năm 2024 và 2025. Các thông tin về tình trạng pháp lý dự án của Nam Long thông tin đến cổ đông đều có cơ sở cụ thể. Không thể nói là chắc chắn 100%, nhưng chúng đang rất tin tưởng vào Chính phủ, chính quyền địa phương trong tiến trình tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho bất động sản.
Hiện nay, Ngân hàng Woori cho vay mua nhà lãi suất 5,8%/năm, Ngân hàng Shinhan cho vay 6%/năm cố định trong 3 năm. Mặt bằng lãi suất vay mua nhà còn thấp hơn cả thời điểm trước covid , nhưng theo ông vì sao thanh khoản trên thị trường bất động sản chưa thực sự sôi động?
Thuận lợi hiện nay cho người mua nhà là lãi suất cho vay mua nhà đã giảm xuống mức thấp, thấp hơn cả trước covid. Doanh số bán hàng presale của Nam Long trong quý I rất tích cực, đã đạt 1.160 tỷ đồng gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lãi suất thấp chỉ là một điều kiện để thị trường quay trở lại. Ở Mỹ có một loại chỉ số được quan tâm nhiều là chỉ số niềm tin. Chỉ số niềm tin rất quan trọng. Khi chỉ số về sản xuất, tăng trưởng xuất nhập khẩu, thu nhập chưa tốt, chưa ổn định thì quyết định đầu tư hay mua bất động sản vẫn là trở ngại. Nếu người mua để ở khó bỏ tiền mua nhà khi mà chưa cảm thấy an toàn về thu nhập, công ăn việc làm, khả năng trả nợ. Với nhà đầu tư bất động sản khi thanh khoản thị trường xuống thấp, họ sẽ rời bỏ thị trường. Bên cạnh lãi suất thấp thì còn phải làm sao để tạo niềm tin cho người mua nhà và nhà đầu tư là một bài toán cần phải giải quyết hiện nay.
Cụ thể các yếu tố quan trọng cần cải thiện để niềm tin vào thị trường bất động sản mạnh mẽ hơn là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ việc này cần một giải pháp tổng lực. Đối với Chính phủ, điều đầu tiên phải nói đến là cải thiện các vấn đề về pháp lý dự án. Các chậm trễ về pháp lý khiến doanh nghiệp thiệt hại rất nhiều về tài chính. Chúng ta cần những giải pháp và các chính sách linh hoạt và nhanh chóng đi vào thực tế để tạo niềm tin cho thị trường chung. Đối với các chủ đầu tư, nhiệm vụ của chúng tôi là làm ăn uy tín, minh bạch để tạo niềm tin cho khách hàng.
Với những lúc khó khăn thế này việc đồng hành cùng khách hàng trong suốt quá trình mua nhà, chấp nhận bỏ qua những lợi ích nhỏ để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này, tự tin mua nhà là vô cùng cần thiết.
Trong các chính sách đột phá về bán hàng 2023 mà Nam Long thực hiện để đưa các sản phẩm nhà vừa túi tiền đến với khách hàng, không chỉ vừa túi tiền ở giá bán sản phẩm, mà còn hỗ trợ lãi suất vay mua nhà, giá dịch vụ cho cư dân… Ông có nhận thấy còn cản trở nào để có sản phẩm vừa túi tiền một cách tổng thể đến với khách hàng?
Nam Long có chủ trương và đang triển khai thực hiện chính sách này thông qua chiến dịch kêu gọi của Nam Long với các đối tác: “Chung tay đưa nhà dễ sở hữu trở lại”. Khung chính sách của Nam Long được xây dựng trên nhiều yếu tố. Đầu tiên là về giá, làm sao để tối ưu về giá mà không giảm chất lượng để khách hàng có thể chấp nhận được.
Liên quan đến tiến độ thanh toán, Nam Long cùng các nhà thầu đồng lòng giãn tiến độ xây dựng để tiến độ thanh toán được linh hoạt hơn. Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất, Nam Long phối hợp cùng các ngân hàng chiến lược tùy sản phẩm, dự án mà có thể giảm 3-5%. Trong thời gian khó khăn, nhiều khách hàng sở hữu sản phẩm Nam Long nhưng gặp sự cố về tài chính thì Tập đoàn ngồi lại để hỗ trợ bán lại hoặc thỏa thuận với ngân hàng.
Trong năm qua, doanh số của chúng tôi tăng vọt lên đến 3.000 tỷ đồng nhờ chiến dịch này. Trong năm nay, chỉ mới tuần vừa qua, Nam Long vừa ký kết với Ngân hàng BIDV Bến Thành để thực hiện chương trình hỗ trợ người mua nhà, sắp tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng khác. Những chính sách có thể làm được thì BIDV đều triển khai thực hiện một cách cạnh tranh so với ngân hàng khác cho khách hàng của Nam Long từ lãi suất, phương thức thanh toán, tài sản đảm bảo đến phương thức trả lãi, trả vốn làm sao tốt nhất cho khách hàng.
Sau thời gian thị trường giảm thanh khoản, theo ông, hàng tồn kho có phải là lo ngại của Nam Long?
Tùy vào bản chất hàng tồn kho của công ty mới đánh giá được là tốt hay xấu. Hàng tồn kho theo định nghĩa chung của ngành bất động sản bao gồm: quỹ đất, dự án chưa triển khai, dự án đang triển khai, công trình xây dựng dở dang… Hàng tồn kho của Nam Long thực sự không lớn, không đáng ngại nhất là hàng tồn kho của công ty đang chủ yếu là các dự án đã đầy đủ pháp lý, đang triển khai và sản phẩm sẵn sàng mở bán, bàn giao.
Năm 2023, Nam Long đã đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện một số dự án lớn để bàn giao, mặc dù doanh thu bàn giao Nam Long năm 2023 cao kỷ lục khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng một phần sản phẩm chưa kịp bàn giao vẫn nằm trong số liệu hàng tồn kho.
Trong năm 2024, với việc bàn giao lượng hàng sẵn có này và đẩy mạnh thêm doanh số bán mới cùng các chính sách bán hàng tốt trong thời điểm lãi suất thấp kỷ lục, tôi tin hàng tồn kho Nam Long không đáng ngại, ngược lại nhanh chóng trở thành dòng tiền tốt cho Công ty. Kết quả kinh doanh của Nam Long các quý còn lại của năm sẽ phản ánh rõ điều này.
Nhưng hàng tồn kho luôn là vấn đề mà Nam Long đặt ra các giải pháp quản trị rủi ro trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.