Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đón nhận và an táng hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào quy tập mùa khô 2023 - 2024, Huyện đoàn Hương Sơn đã huy động hơn 200 đoàn viên thanh niên dọn dẹp, chỉnh trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Nầm.
Đây được xem là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với với các lớp cha anh đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc giữ gìn, tôn tạo và giữ cảnh quan sạch, đẹp cho Nghĩa trang liệt sĩ.
Công việc được tiến hành với không khí sôi nổi, khẩn trương. Các đoàn viên thanh niên tự giác tỏa ra các khu vực trong khuôn viên nghĩa trang để nhổ cỏ, quét rác, lau chùi bia mộ.
Mặc dù dưới thời tiết nắng nóng, nhưng các đoàn viên thanh niên dọn dẹp nghĩa trang bằng sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao.
Thông qua đợt lao động, dọn dẹp đầy ý nghĩa này nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự kính trọng đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Theo kế hoạch, sáng 14/5, hài cốt các liệt sĩ sẽ được di chuyển từ Thủ đô Viêng Chăn về tỉnh Bolikhămxay, sau đó tiếp tục được di chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm để làm lễ truy điệu, an táng...
Nghĩa trang Nầm là nơi an nghỉ của 1.230 liệt sĩ. Ngoài những chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây cũng là nơi an nghỉ của hàng trăm quân tình nguyện Việt Nam tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, trong đó Lào là nhiều nhất.
Theo các tài liệu lịch sử, ngày 30/10/1949, trên cơ sở thắng lợi của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương quyết định cử các lực lượng quân sự Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ cách mạng Lào, tổ chức thành hệ thống riêng và lấy tên là quân tình nguyện (gồm quân tình nguyện và chuyên gia).
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Nầm xây dựng từ năm 1978, nằm trên ngọn đồi thoải rộng 22.000 m2 dưới núi Nầm, giáp ranh giữa hai xã Sơn Châu và Sơn Bình (huyện Hương Sơn). Đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, được bao bọc bởi núi Nầm sừng sững uy nghi, phía mặt tiền là dòng sông Ngàn Phố uốn hình cánh cung đổ về bến Tam Soa (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), phía sau là những rừng thông trùng điệp.
Nguyễn Sơn